Lãi suất chiết khấu là gì?
Lãi suất chiết khấu được cấu tạo bởi lãi suất và chiết khấu. Muốn hiểu rõ thuật ngữ này, bạn cần hiểu định nghĩa của từng yếu tố.
1.1 Chiết khấu là gì?
Chiết khấu trong kinh doanh thường được hiểu là giảm giá trên giá niêm yết của dịch vụ, sản phẩm tương ứng với tỷ lệ phần trăm nhất định. Chiết khấu là một khoản phụ cấp hoặc nhượng bộ về giá của người bán/doanh nghiệp dành cho khách hàng. Chiết khấu được đưa ra để thu hút người mua đặt hàng và thúc giục quá trình thanh toán.
1.2 Lãi suất là gì?
Lãi suất là tỷ lệ mà theo đó tiền lãi được người vay trả cho việc sử dụng tiền mà họ vay từ một người cho vay. Lãi suất là phần trăm tiền gốc phải trả cho một số lượng nhất định của thời gian mỗi thời kỳ (thường được tính theo năm).
1.3 Lãi suất chiết khấu là gì?
Lãi suất chiết khấu là lãi suất mà Ngân hàng Trung ương tính trên các khoản cho vay đối với các ngân hàng thương mại. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu dòng tiền ngắn hạn hoặc bất thường của các ngân hàng. Việc điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu là một trong những công cụ của chính sách tiền tệ nhằm điều tiết lượng cung tiền.
Điều này có nghĩa là các ngân hàng thương mại sẽ phải vay tiền từ Ngân hàng Trung ương để hoạt động. Đây là lúc tỷ lệ dự trữ tiền mặt của các ngân hàng không đủ hoặc không được đảm bảo ở mức an toàn. Vì vậy, các ngân hàng thương mại sẽ xem xét vay tiền của ngân hàng trung ương nhằm đề phòng trường hợp khách hàng muốn rút tiền.
Lãi suất chiết khấu có thể hiểu như một công cụ trong chính sách tiền tệ. Đây là một căn cứ quan trọng giúp Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lượng cung tiền trên thị trường và số tiền mặt dự trữ đối với ngân hàng thương mại.
Công thức tính lãi suất chiết khấu chính xác nhất trong hoạt động ngân hàng
Lãi suất chiết khấu được tính toán dựa trên 2 yếu tố:
Chi phí huy động vốn
Trung bình trọng số chi phí vốn
2.1 Chi phí huy động vốn
Lãi suất chiết khấu có thể được tính bằng chi phí huy động vốn. Đây là tỷ lệ lợi tức mà người bỏ vốn mong muốn thu lại từ dự án. Nói cách khác, lãi suất chiết khấu là chi phí sử dụng vốn, hay chi phí cơ hội của vốn.
Ví dụ: Nếu rút tiền tiết kiệm với lãi suất 6% để đầu tư thì có thể tính lãi suất chiết khấu là 6%.
2.2 Trung bình trọng số chi phí vốn
Trung bình trọng số chi phí vốn chính là chi phí sử dụng vốn trung bình của doanh nghiệp, được viết tắt là WACC. Doanh nghiệp có 2 nguồn chính để gọi vốn:
Vay thương mại => chi phí của khoản nợ (cost of debt) là lãi suất của khoản vay (1-tax)*lãi suất
Vốn góp cổ đông => chi phí vốn cổ phần (cost of equity) là thu nhập mong muốn của cổ đông
WACC được tính bằng chi phí sử dụng trung bình của 2 nguồn vốn trên. WACC được tính theo công thức sau:
WACC = re * E/(E+D) + rD(1-TC)* D/(E+D)
Trong đó:
re: tỷ suất thu nhập mong muốn của cổ đông
rD: lãi suất mong muốn của chủ nợ
E: giá thị trường cổ phần của công ty
D: giá thị trường nợ của công ty
TC: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
re = [Div0(1+g)/P0] + g
Trong đó:
P0 là giá cổ phiếu của doanh nghiệp tại thời điểm gốc
Div0 là cổ tức của cổ phiếu doanh nghiệp tại thời điểm gốc
g: tỷ lệ tăng trưởng dự kiến của cổ tức.
Lãi suất chiết khấu có những tác động nào?
Lãi suất chiết khấu có những tác động rõ rệt đến với các chủ thể. Vậy nên nó có một vai trò vô cùng quan trọng.
3.1 Tác động đối với Ngân hàng thương mại
Mức lãi chiết khấu do ngân hàng trung ương quy định mang đến những tác động lớn. Theo đó đầu tiên với các ngân hàng thương mại thì nó chính là căn cứ quan trọng. Hơn hết các ngân hàng luôn theo dõi, cập nhật sát sao mức lãi chiết khấu.
Lãi chiết khấu ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ dự trữ tiền mặt từ các ngân hàng. Nó là căn cứ giúp các ngân hàng thương mại quyết định giảm hay tăng tỷ lệ dự trữ.
Các ngân hàng thương mại luôn so sánh lãi chiết khấu với lãi thị trường. Nếu trường hợp lãi chiết khấu cao hơn thì ngân hàng sẽ không thể để tỷ lệ tiền dự trữ quá thấp. Nhất là ngân hàng tránh tỷ lệ tiền dự trữ chạm mốc an toàn. Đặc biệt ngân hàng còn có xu hướng tăng tỷ lệ dự trữ để đảm bảo không xảy ra rủi ro khi khách hàng rút tiền.
Ngược lại nếu lãi chiết khấu bằng hay thấp hơn thì ngân hàng sẽ có thể thoải mái cho vay. Chỉ cần dừng lại ở mức tỷ lệ an toàn tối thiểu. Lúc này nếu thiếu tiền mặt ngân hàng hoàn toàn có thể vay từ ngân hàng nhà nước. Mức lãi suất ngân hàng được hưởng sẽ không gây ra những rủi ro.
3.2 Tác động đối với Ngân hàng Nhà nước
Lãi chiết khấu là công cụ đắc lực của ngân hàng nhà nước. Lãi suất chiết khấu có những tác động nhất định đối với Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương sẽ quy định lãi chiết khấu để điều tiết cung tiền.
Nếu ngân hàng muốn tăng lượng cung tiền thì sẽ giảm lãi suất cho vay. Và ngược lại cho ngân hàng muốn giảm lượng cung tiền thì sẽ tăng lãi chiết khấu. Khi lãi chiết khấu tăng thì ngân hàng thương mại sẽ giảm cho vay. Ngân hàng Trung ương sử dụng hình thức cho vay chiết khấu không chỉ để kiểm soát cung ứng tiền tệ, mà thông qua đó còn giúp đỡ các tổ chức tài chính khi họ rơi vào tình thế khó khăn.
Ví dụ: Vào năm 2005, có tin đồn rằng ngân hàng cổ phần Phương Nam có rất nhiều khoản nợ khó đòi và rất nhiều người gửi tiền đã rút tiền ra. Để cứu ngân hàng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoạt động với tư cách người cho vay cuối cùng.
Do vậy, dựa trên một tiền cơ sở nhất định, lãi suất chiết khấu được quy định cao hơn lãi suất thị trường. Ngân hàng trung ương có thể buộc các ngân hàng thương mại phải dự trữ tiền mặt bổ sung khiến cho số nhân tiền tệ giảm xuống. Tỷ số của tiền gửi so với tiền mặt giảm để làm giảm lượng cung tiền.
Ngược lại, khi lãi suất chiết khấu giảm xuống thì các ngân hàng thương mại có thể giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt và do vậy số nhân tiền tệ tăng lên dẫn đến tăng lượng cung tiền.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất chiết khấu
Lãi suất chiết khấu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố này được kể đến như sau.
4.1. Ảnh hưởng của mức cung cầu tiền tệ trên thị trường
Mức cung cầu tiền tệ trên thị trường là một yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành lãi suất và lãi suất tái chiết khấu. Cung tiền tệ là tổng thể tiền tệ được sử dụng để giao dịch thanh toán trên thị trường.
Khi cung và cầu tiền ở trạng thái mất cân bằng, Ngân hàng Trung ương sẽ điều chỉnh lệ chiết khấu để ổn định lại. Nếu cung tiền quá nhiều, Nhà nước sẽ tăng lãi suất để giảm lượng tiền lưu thông. Điều này giúp tránh các rủi ro không mong muốn khi cung – cầu mất cân bằng, khiến lạm phát không được kiểm soát hợp lý.
4.2. Ảnh hưởng của lạm phát
Lạm phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính nói chung và lãi suất tái chiết khấu nói riêng. Khi lạm phát dự tính tăng lên, chi phí thực của việc vay tiền giảm xuống, kích thích người đi vay. Lúc này cung giảm xuống và cầu tăng lên trong quỹ cho vay sẽ đẩy lãi suất tăng lên.
Khi dự tính lạm phát tăng, lãi suất tăng. Điều này có nghĩa quan trọng trong việc dự đoán lãi suất khi nền kinh tế có xu hướng lạm phát tăng. Trên cơ sở đó nhà nước sẽ có một chính sách hợp lý để kiềm chế lạm phát.
4.3. Rủi ro về kỳ hạn của tín dụng
Nếu một ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lớn, có nhiều món vay không thu hồi được hoặc bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt thì uy tín của nó bị giảm sút nghiêm trọng. Rủi ro tín dụng xảy ra sẽ làm giảm khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại đối với các nguồn tiền gửi.
Một khi rủi ro tín dụng xảy ra, uy tín và khả năng thanh toán của ngân hàng ảnh hưởng đầu tiên. Người dân và các tổ chức đang có tiền gửi tại ngân hàng kéo đến ồ ạt đến rút tiền và chấm dứt quan hệ tín dụng.
4.4. Ảnh hưởng từ các chính sách của Nhà nước
Lãi suất tín dụng tăng quá cao hay giảm quá thấp đều ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế. Vì vậy Nhà nước chỉ huy toàn bộ hệ thống Ngân hàng nhằm điều chỉnh lãi suất, bình ổn nền kinh tế. Nhà nước thực hiện điều này thông qua Ngân hàng Trung ương. Với tư cách ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng Trung ương thực hiện vai trò chỉ huy đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng của một quốc gia.
Với công cụ lãi suất, Ngân hàng Trung ương có thể điều tiết hoạt động của nền kinh tế vĩ mô Ngân hàng có thể quy định mức lãi suất cho thị trường, chủ động điều chỉnh lãi suất để điều chỉnh tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Có thể hạn chế hoặc mở rộng tín dụng nhằm thực hiện được mục tiêu giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế theo từng thời kỳ.
Khi lãi suất tăng lên làm cho nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm thì Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng giảm lãi suất tái chiết khấu cho các ngân hàng thương mại. Khi lãi suất thị trường giảm, thừa tiền trong thị trường thì Ngân hàng nhà nước sẽ tăng lãi suất tái chiết khấu để giảm bớt khối lượng tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhằm buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất tín dụng nhằm cân bằng giá trị của đồng tiền.
Phân tích ưu điểm và hạn chế của nghiệp vụ chiết khấu trong ngân hàng
Dù được sử dụng nhiều, đem đến nhiều lợi ích nhưng lãi suất chiết khấu tồn tại cả ưu đảm và hạn chế. Những ưu điểm và hạn chế này thể hiện như sau.
5.1 Ưu điểm
Đây là nghiệp vụ ít rủi ro, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng rất cao
Hình thức tín dụng đơn giản, ít phiền phức đối với ngân hàng, do thủ tục và quy trình cho vay dễ dàng
Không để vốn của ngân hàng “đóng băng”
Thời hạn chiết khấu ngắn (ít hơn 90 ngày) và ngân hàng thương mại có thể dễ dàng xin tái chiết khấu hối phiếu ở Ngân hàng có nhu cầu về vốn
Tiền cấp cho khách hàng khi chiết khấu được chuyển vào tài khoản tiền gửi của khách hàng. Cho nên nó tạo thành nguồn vốn cho ngân hàng
5.2 Nhược điểm
Ngân hàng đôi khi phải nhận chiết khấu các hối phiếu giả mạo, không thực sự xuất phát từ quan hệ thương mại do một số cá nhân tự ý phát hành giả nhằm mục đích lừa đảo ngân hàng
Người chịu trách nhiệm thanh toán giấy tờ có giá bị mất khả năng thanh toán trước và khi giấy tờ có giá đến hạn thanh toán
Một số định nghĩa khác về chiết khấu
Một số định nghĩa khác liên quan đến chiết khấu sẽ được chúng tôi giải thích dưới đây.
6.1 Chiết khấu ngân hàng
Chiết khấu ngân hàng là tín dụng ngắn hạn của ngân hàng thương mại. Trong đó, khách hàng chuyển nhượng quyền sở hữu các giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán cho ngân hàng thương mại để nhận một khoản tiền tương đương giá trị đến hạn trừ đi lợi tức chiết khấu và hoa hồng phí.
6.2 Vay chiết khấu
Vay chiết khấu là nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng Trung ương cho các ngân hàng thương mại vay một khoản tiền để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngắn hạn hoặc nhu cầu bất thường của các ngân hàng thương mại. Khoản vay này sẽ tính lãi suất chiết khấu.
6.3 Chiết khấu L/C
Chiết khấu L/C là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng đối với khách hàng. Ngân hàng sẽ mua lại và có thể truy đòi Bộ chứng từ theo L/C xuất khẩu trước khi đến hạn thanh toán. Mục đích của việc chiết khấu này là đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, bổ sung vốn lưu động sau khi giao hàng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Trong chiết khấu L/C, mức chiết khấu, tỷ lệ chiết khấu sẽ có sự khác nhau tùy theo đối tượng khách hàng, loại L/C.
6.4 Chiết khấu hối phiếu
Chiết khấu hối phiếu là thực hiện cấp tín dụng của Ngân hàng đối với khách hàng. Ngân hàng mua lại và có quyền truy đòi Hối phiếu đòi nợ trước thời hạn thanh toán.
6.5 Trái phiếu chiết khấu
Trái phiếu chiết khấu là trái phiếu được phát hành với giá thấp hơn mệnh giá của trái phiếu. Lúc này trái phiếu chiết khấu gọi là trái phiếu trả trước. Trái phiếu chiết khấu có thể đề cập đến loại trái phiếu hiện đang giao dịch với giá thấp hơn mệnh giá của nó trên thị trường.
Trái phiếu được bán với giá thấp hơn đáng kể so với mệnh giá, hoặc ở mức 20% trở lên thì được gọi là trái phiếu chiết khấu sâu. Trái phiếu chiết khấu được mua và bán từ nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.
6.6 Chiết khấu thanh toán
Chiết khấu thanh toán là chiết khấu theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền thanh toán sớm hạn của khách hàng ở thời điểm thanh toán. Chiết khấu thanh toán chính là khoản tiền người bán giảm cho người mua, do người mua thanh toán tiền hàng trước thời hạn theo hợp đồng.
6.7 Lãi suất tái chiết khấu
Lãi suất tái chiết khấu được tính trên số tiền ghi trên thương phiếu hoặc giấy tờ có giá trước thời hạn thanh toán. Mức lãi suất tái chiết khấu phụ thuộc vào khả năng thanh toán của người có nghĩa vụ trả số tiền trên thương phiếu hay giấy tờ có giá. Lãi suất tái chiết khấu áp dụng đối với Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng mua lại thương phiếu, giấy tờ có giá.
6.8 Tái chiết khấu
Tái chiết khấu là việc ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng trung ương áp dụng việc mua lại các giấy tờ có giá còn thời hạn thanh toán và đáng tin cậy thuộc sở hữu của các ngân hàng khác theo tỉ suất tái chiết khấu nhất định. Những giấy tờ có giá này đã được các ngân hàng chiết khấu, tái chiết khấu ở thị trường thứ cấp.
6.9 Chiết khấu thương mại
Chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua với khối lượng lớn.
6.10 Chiết khấu thương phiếu
Chiết khấu thương phiếu là hình thức tín dụng của ngân hàng thương mại, thực hiện bằng việc ngân hàng mua lại thương phiếu chưa đáo hạn của khách hàng. Nói cách khác đây là việc bán thương phiếu cho ngân hàng để nhanh chóng thu tiền về với giá thấp hơn giá thương phiếu. Đặc điểm của tín dụng này là khoản lãi trả ngay khi nhận vốn.
Kết luận
Lãi suất chiết khấu là một phần vô cùng quan trọng trong ngành tài chính ngân hàng. Lãi suất chiết khấu là công cụ để Nhà nước có thể kiểm soát, bình ổn thị trường. Từ đó giúp cho thị trường ổn định nhất có thể, bảo vệ cho người dân, doanh nghiệp. Lãi suất chiết khấu cũng có ưu nhược điểm riêng nên cần hiểu thật cụ thể rõ ràng.
Bài viết trên đã đề cập đến tất cả kiến thức liên quan đến lãi suất chiết khấu. Hy vọng rằng bạn đã hiểu hơn rõ về thuật ngữ lãi suất chiết khấu. Mong rằng bạn sẽ áp dụng những kiến thức này trong kinh doanh, đầu tư của mình trong tương lai. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích khác.