Lãi suất phi rủi ro là gì?
Lãi suất phi rủi ro (risk-free rate) là mức lãi suất mà nhà đầu tư kỳ vọng thu được từ một khoản đầu tư được cho là không có bất kỳ rủi ro nào về mất vốn hay thanh toán lãi. Nói cách khác, đây là mức sinh lời tối thiểu mà nhà đầu tư chấp nhận được khi đầu tư vào tài sản an toàn nhất trên thị trường.
Trên lý thuyết, không tồn tại khoản đầu tư nào thực sự “phi rủi ro” tuyệt đối. Tuy nhiên, trong thực tiễn tài chính, các nhà đầu tư và chuyên gia thường sử dụng lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn làm đại diện cho lãi suất phi rủi ro. Lý do là vì chính phủ thường có khả năng thanh toán cao và rủi ro vỡ nợ rất thấp, đặc biệt là với các quốc gia phát hành đồng tiền của chính họ.
Tùy theo từng quốc gia, tài sản đại diện cho lãi suất phi rủi ro có thể khác nhau. Ví dụ:
- Ở Mỹ: Thường sử dụng trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng (U.S. 3-Month Treasury Bill).
- Ở Việt Nam: Có thể tham chiếu lãi suất trái phiếu Chính phủ ngắn hạn hoặc lãi suất khoản vay liên ngân hàng qua đêm (nếu cần ước tính nhanh trong phân tích tài chính trong nước).
Lãi suất phi rủi ro (ký hiệu: Rf) là một thành phần thiết yếu trong nhiều mô hình tài chính, chẳng hạn như:
- Mô hình định giá tài sản vốn (CAPM),
- Mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF),
- Định giá doanh nghiệp, cổ phiếu hoặc đo lường chi phí sử dụng vốn.
>> Xem thêm: Mô hình tài chính là gì? 10 mô hình tài chính phổ biến hiện nay
Khái niệm lãi suất phi rủi ro
Risk-free rate có phải là lãi suất 0%?
Lãi suất phi rủi ro (risk-free rate) không đồng nghĩa với lãi suất 0%.
Mặc dù lãi suất phi rủi ro là mức lãi suất lý thuyết của khoản đầu tư không chứa bất kỳ rủi ro nào, nhưng trong thực tế thường được xác định bằng lãi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, chẳng hạn như lãi suất trái phiếu kho bạc 3 tháng.
Trái phiếu chính phủ được coi là khoản đầu tư an toàn nhất, nhưng vẫn không phải là hoàn toàn không rủi ro. Do đó, lãi suất phi rủi ro luôn có một giá trị lớn hơn 0%, phản ánh mức độ rủi ro tối thiểu của khoản đầu tư an toàn nhất trên thị trường.
Ví dụ:
Lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 3 tháng là 4%/ năm. Trong trường hợp này, lãi suất phi rủi ro (Rf) sẽ được xác định là 4%.
Nếu một nhà đầu tư muốn đầu tư vào một khoản đầu tư khác có rủi ro, và mức lợi nhuận yêu cầu của họ là 10%/ năm, thì mô hình CAPM sẽ tính như sau:
Mức lợi nhuận kỳ vọng = Rf + β × (Rm - Rf) = 4% + β × (10% - 4%) = 4% + β × 6%
Trong đó:
- Rf = 4% là lãi suất phi rủi ro
- (Rm - Rf) = 6% là phần bù rủi ro thị trường
Như vậy, lãi suất phi rủi ro (Rf) ở đây không phải là 0%, mà là 4% một năm, dựa trên lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 3 tháng.
Risk-free rate bằng 0% chỉ là lý thuyết
Cách tính lãi suất phi rủi ro chính xác
Công thức tính lãi suất phi rủi ro
Cách tính lãi suất phi rủi ro hiệu quả:
Lãi suất phi rủi ro = Lãi suất phi rủi ro thực + Phí bảo hiểm lạm phát
Để tính được lãi suất phi rủi ro thực, ta dựa vào công thức sau:
Lãi suất phi rủi ro thực = Lợi suất trái phiếu kho bạc - Tỉ lệ lạm phát hiện tại
Trong đó:
-
Lãi suất phi rủi ro thực: Mức lãi suất trong trường hợp không có lạm phát.
-
Phí bảo hiểm lạm phát: Mức phí mà người mua bảo hiểm phải trả để bù đắp cho sự giảm giá trị của đồng tiền do lạm phát.
-
Lợi suất trái phiếu kho bạc: Mức lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể thu được khi mua trái phiếu kho bạc của chính phủ.
Công thức tính lãi suất phi rủi ro chính xác
Ví dụ tính lãi suất phi rủi ro
Bài tập lãi suất phi rủi ro: Giả sử lãi suất trái phiếu kho bạc là 3% và tỷ lệ lạm phát hiện tại là 2%. Mức phí bảo hiểm do lạm phát là 1%. Tính lãi suất phi rủi ro.
Áp dụng công thức:
- Lãi suất phi rủi ro thực = 3% - 2% = 1%.
- Lãi suất phi rủi ro = 1% + 1% = 2%.
Phân loại lãi suất phi rủi ro
Lãi suất phi rủi ro danh nghĩa (Nominal Risk-Free Rate)
Lãi suất phi rủi ro danh nghĩa là mức lãi suất của các tài sản không có rủi ro khi chưa điều chỉnh theo lạm phát. Đây là lãi suất mà nhà đầu tư nhận được từ các công cụ tài chính an toàn như trái phiếu chính phủ, phản ánh mức sinh lời bằng tiền danh nghĩa.
Công thức tính lãi suất danh nghĩa (trong trường hợp biết lãi suất thực và tỷ lệ lạm phát kỳ vọng):
Lãi suất danh nghĩa = (1 + Lãi suất thực) * (1 + Tỷ lệ lạm phát) - 1
Ví dụ:
Nếu lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm là 5%/năm, thì đây chính là lãi suất phi rủi ro danh nghĩa.
Lãi suất phi rủi ro thực (Real Risk-Free Rate)
Lãi suất phi rủi ro thực là mức lãi suất của khoản đầu tư an toàn sau khi đã điều chỉnh yếu tố lạm phát. Chỉ số này phản ánh sức mua thực tế mà nhà đầu tư nhận được, tức là giá trị thực sự của đồng tiền sau khi trừ đi tác động của lạm phát.
Công thức tổng quát:
Lãi suất thực = (1 + Lãi suất danh nghĩa) / (1 + Tỷ lệ lạm phát) - 1
Ví dụ:
Nếu lợi suất trái phiếu chính phủ là 5%/năm và lạm phát dự kiến là 2%/năm, thì lãi suất phi rủi ro thực được tính như sau:
Lãi suất phi rủi ro thực = (1 + 5%) / (1 + 2%) - 1 = 2.94%
Phân loại | Bao gồm lạm phát? | Ý nghĩa |
Lãi suất danh nghĩa | Có |
Mức lợi suất danh nghĩa trên thị trường
|
Lãi suất thực | Không |
Sức mua thực tế sau khi loại bỏ yếu tố lạm phát
|
Có hai loại lãi suất phi rủi ro chính
Ảnh hưởng của lãi suất phi rủi ro đối với doanh nghiệp
Tài sản vốn doanh nghiệp
Mô hình Định giá tài sản vốn (CAPM - Capital Asset Pricing Model) là một công cụ phân tích tài chính giúp định giá các khoản đầu tư dựa trên mức rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng.
Công thức CAPM:
E(Ri) = Rf + βi [E(Rm) – Rf]
Trong đó:
-
E(Ri): Lợi nhuận kỳ vọng của tài sản i
-
E(Rm): Lợi nhuận kỳ vọng của thị trường
-
Rf: Lợi nhuận phi rủi ro
-
βi: Hệ số beta của tài sản i, đo mức độ biến động của tài sản i so với thị trường
-
E(Rm) – Rf: Khoản bù đắp rủi ro thị trường.
Công thức mô hình Định giá tài sản vốn
Ví dụ: Một nhà đầu tư đang xem xét đầu tư vào cổ phiếu của Công ty ABC. Các thông tin đầu vào như sau:
- Lãi suất phi rủi ro (Rf) = 4%
- Lợi suất thị trường kỳ vọng (Rm) = 10%
- Beta của cổ phiếu ABC (β) = 1.2
=> Lợi nhuận kỳ vọng của danh mục = 4% + 1.2 * (10% − 4%) = 4% + 1.2 × 6% = 4% + 7.2% = 11.2%
Dựa vào công thức và ví dụ trên, nhận định được tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro ảnh hưởng đến CAPM theo hai cách:
-
Tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro là thành phần cơ bản của tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng một tài sản. Khi tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro tăng, tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của một tài sản cũng tăng theo và ngược lại.
-
Tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro cũng ảnh hưởng đến phần thưởng rủi ro thị trường. Khi tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro tăng, khoản bù đắp rủi ro thị trường giảm và ngược lại. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư sẽ yêu cầu một khoản bù đắp cao hơn khi đầu tư vào các tài sản có ít rủi ro.
Lợi nhuận doanh nghiệp
Tỉ lệ Sharpe là một chỉ số đo lường hiệu quả của một chiến lược đầu tư bằng cách dựa vào lợi nhuận thu được trên một đơn vị rủi ro.
Tỷ lệ Sharpe cho thấy mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro của một chiến lược đầu tư cũng như mức độ ảnh hưởng của lãi suất phi rủi ro tới doanh nghiệp. Tỷ lệ Sharpe cao cho biết chiến lược đầu tư có hiệu quả, tức là mức lợi nhuận cao trên mỗi đơn vị rủi ro và ngược lại.
Công thức tính tỷ lệ Sharpe:
Tỉ lệ Sharpe = (Rp – Rf)/ σp
Trong đó:
-
Rp: Tỷ suất lợi nhuận của danh mục đầu tư
-
Rf: Tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro
-
σp: Độ lệch chuẩn của tỷ suất lợi nhuận vượt quá của danh mục
Công thức tính tỷ lệ Sharpe
Ví dụ: Một danh mục có tỉ lệ lợi nhuận 10% vào năm ngoái, tỉ lệ lợi nhuận phi rủi ro hiện là 4.5% và độ biến động của danh mục đầu tư là 15%.
Tỷ lệ Sharpe = (10% - 4.5%) / 15% = 36.67%
Như vậy, khi lãi suất phi rủi ro càng cao, tỷ lệ Sharpe càng thấp và ngược lại. Điều này có nghĩa là, khi lãi suất phi rủi ro tăng, một nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận mức rủi ro cao hơn để có được mức sinh lời mong muốn, hoặc chấp nhận mức sinh lời thấp hơn với cùng mức rủi ro và ngược lại.
Định giá hợp đồng quyền chọn
Mô hình Black-Scholes là mô hình định giá hợp đồng quyền chọn để ước tính sự thay đổi thời gian của các công cụ tài chính theo giả định công cụ đó tuân theo phân phối loga chuẩn.
Có thể hiểu, đây là quyền chọn chỉ thực hiện khi đáo hạn. Tại thời gian có hiệu lực của hợp đồng, nhà đầu tư không thể dự đoán được biến động thị trường, tài sản. Trong mô hình này, lãi suất phi rủi ro được giả định là không đổi và được biết trước.
Lãi suất phi rủi ro ảnh hưởng tới giá trị của các tùy chọn theo hai cách:
-
Qua giá cổ phiếu hiện tại: Được tính bằng cách chiết khấu giá cổ phiếu dự kiến trong tương lai với lãi suất phi rủi ro. Do đó, khi lãi suất phi rủi ro tăng, giá cổ phiếu hiện tại sẽ giảm và ngược lại.
-
Giá thực hiện cũng được chiết khấu với lãi suất phi rủi ro để tính giá trị hiện tại của quyền sử dụng tùy chọn. Do đó, khi lãi suất phi rủi ro tăng, giá thực hiện sẽ giảm và ngược lại.
Chi phí vay
Khi lãi suất phi rủi ro tăng, các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay doanh nghiệp theo hướng tăng lên. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp, giảm lợi nhuận và khả năng đầu tư của họ.
>>> Tìm hiểu ngay: Chi phí là gì? Có bao nhiêu loại chi phí phổ biến hiện nay
Đầu tư và mở rộng
Một trong những tác động của việc lãi suất phi rủi ro tăng là ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của các doanh nghiệp. Khi lãi suất cao, chi phí vay vốn cũng tăng theo, làm giảm lợi nhuận và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.
Điều này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh hiện tại hoặc các dự án đầu tư mới. Do đó, các doanh nghiệp có thể phải hoãn lại hoặc giảm bớt các kế hoạch mở rộng quy mô hoặc đổi mới công nghệ.
Tỷ giá hối đoái
Giá trị hiện tại của các dòng tiền tương lai được tính bằng cách sử dụng tỷ giá chiết khấu, trong đó lãi suất phi rủi ro là một yếu tố quyết định. Khi lãi suất phi rủi ro thay đổi, giá trị hiện tại của các dòng tiền tương lai cũng thay đổi theo.
Khi lãi suất phi rủi ro tăng, giá trị hiện tại của các dòng tiền tương lai giảm, làm giảm giá trị của doanh nghiệp và ngược lại. Do đó, tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng tới mức lãi suất phi rủi ro.
Những ảnh hưởng của lãi suất phi rủi ro đối với doanh nghiệp
Các yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất phi rủi ro
Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ là những quyết định của ngân hàng trung ương nhằm điều tiết lượng tiền mặt và lãi suất trong nền kinh tế. Ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ thông qua mua bán trái phiếu chính phủ (gọi là hoạt động thị trường mở) và thông qua thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (gọi là chính sách dự trữ).
Cả hai cách đều có thể làm tăng hoặc giảm lượng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng và do đó ảnh hưởng đến lãi suất. Khi ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ và cung cấp tiền mặt cho các ngân hàng thương mại nhằm giảm lượng trái phiếu trong tay họ. Điều này sẽ làm giảm lãi suất trên thị trường trái phiếu, vì nhu cầu về trái phiếu cao hơn nguồn cung. Từ đó, lãi suất phi rủi ro cũng sẽ giảm theo, vì chúng thường được xác định bởi lãi suất của trái phiếu chính phủ.
>> Xem thêm: Nghiệp vụ thị trường mở OMO là gì? Đặc điểm và cơ chế hoạt động
Quan hệ cung cầu
Cung cầu là một trong những yếu tố tác động tới lãi suất phi rủi ro. Khi lãi suất phi rủi ro tăng, chi phí vốn của các doanh nghiệp cũng tăng, làm giảm khả năng của họ đầu tư vào các dự án mới. Điều này làm giảm cung của thị trường.
Ngược lại, khi lãi suất phi rủi ro giảm, chi phí vốn của các doanh nghiệp cũng giảm, làm tăng khả năng của họ đầu tư vào các dự án mới. Điều này làm tăng cung của thị trường.
Lạm phát
Khi lạm phát tăng cao, mức phí vay giảm dẫn tới nhu cầu vay tiền tăng. Lúc này, người đi vay sẽ nhiều hơn người cho vay bởi đồng tiền đang mất giá. Do đó, mức lãi suất tại thời điểm này thường tăng cao.
>>> Xem ngay: Tại sao lạm phát tăng thì lãi suất tăng? Quan hệ lạm phát, lãi suất
Tình hình tài chính ngân hàng
Khi tình hình tài chính ngân hàng ổn định, lãi suất phi rủi ro thường thấp, vì ngân hàng có nhiều nguồn vốn và ít phải chịu rủi ro về nợ xấu. Ngược lại, khi tình hình tài chính ngân hàng khủng hoảng, lãi suất phi rủi ro thường cao, vì ngân hàng thiếu vốn và phải chịu nhiều rủi ro về nợ xấu.
>>> Đọc ngay: Lãi suất ngân hàng là gì? Công cụ theo dõi lãi suất ngân hàng
Một số yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất phi rủi ro
Các nguồn lãi suất phi rủi ro uy tín
Để áp dụng chính xác các mô hình định giá như CAPM, DCF hay tính chi phí vốn, việc sử dụng đúng lãi suất phi rủi ro (risk-free rate) là rất quan trọng. Dưới đây là một số nguồn dữ liệu uy tín và chính thống, được sử dụng phổ biến bởi nhà đầu tư, chuyên gia tài chính và học giả trong nước và quốc tế:
Nguồn quốc tế
1. U.S. Department of the Treasury
- Website: https://home.treasury.gov
- Cung cấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ (T-Bills) theo nhiều kỳ hạn: 3 tháng, 1 năm, 10 năm,...
- Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng thường được sử dụng làm lãi suất phi rủi ro toàn cầu, do mức độ an toàn và thanh khoản cao.
2. FRED – Federal Reserve Economic Data
- Website: https://fred.stlouisfed.org
- Cung cấp dữ liệu lịch sử và hiện tại của Lãi suất phi rủi ro (3-Month T-Bill), lạm phát, lãi suất thực và một vài chỉ số tài chính liên quan khác.
3. Bloomberg, Reuters, Investing.com
- Dữ liệu thị trường tài chính toàn cầu, cập nhật theo thời gian thực.
- Phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp và doanh nghiệp cần dữ liệu chất lượng cao.
Nguồn VIệt Nam
1. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)
- Website: https://hnx.vn
- Là nơi đấu thầu và công bố lãi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm...).
- Dữ liệu được cập nhật định kỳ, phù hợp để sử dụng làm lãi suất phi rủi ro trong phân tích tại Việt Nam.
2. Bộ Tài chính - Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại
- Website: https://mof.gov.vn
- Công bố thông tin phát hành và thống kê trái phiếu Chính phủ theo kỳ hạn.
- Hữu ích trong việc theo dõi xu hướng lãi suất TPCP trung và dài hạn.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV)
- Website: https://sbv.gov.vn
- Cập nhật: Lãi suất điều hành, Lãi suất tái cấp vốn, Lãi suất liên ngân hàng
- Có thể dùng làm tham chiếu trong một số trường hợp cần ước tính ngắn hạn hoặc phân tích dòng tiền danh nghĩa.
Cập nhật lãi suất phi rủi ro tại Việt Nam và thế giới
Đồ thị minh họa lãi suất phi rủi ro tại Việt Nam và thế giới (Cập nhật 28/06/2025; Nguồn: vn.investing.com)
Minh họa lãi suất phi rủi ro tại Việt Nam và thế giới
Câu hỏi thường gặp
Tại sao lại gọi là “phi rủi ro” trong khi vẫn có rủi ro vỡ nợ?
Thực tế, thuật ngữ lãi suất phi rủi ro có thể gây hiểu lầm, vì ngay cả các tài sản được coi là an toàn nhất như trái phiếu chính phủ vẫn có rủi ro.
Nhưng vẫn gọi là lãi suất phi rủi ro vì:
- Rủi ro vỡ nợ của chính phủ rất thấp so với các loại tài sản khác.
- Các tài sản như trái phiếu chính phủ có biến động giá thị trường thấp hơn nhiều so với các tài sản rủi ro khác như cổ phiếu.
Rf có thay đổi theo thời gian không?
Có, Rf có thay đổi theo thời gian do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế,...
Rf trong CAPM có ý nghĩa gì?
Rf trong CAPM đại diện cho lãi suất của tài sản không có rủi ro, được sử dụng làm chuẩn để đo lường mức độ rủi ro của các tài sản khác.
Phân biệt rm và rf trong mô hình định giá tài sản?
Trong mô hình CAPM, rm và rf đóng vai trò quan trọng như sau:
Đặc điểm | rm (Lợi suất Thị trường) | rf (Lãi suất Phi rủi ro) |
Định nghĩa | Lợi suất trung bình của toàn thị trường | Lãi suất của tài sản không có rủi ro |
Nguồn gốc | Phản ánh lợi suất của các tài sản rủi ro trên thị trường | Thường được xác định bằng lãi suất trái phiếu chính phủ |
Rủi ro | Chịu rủi ro thị trường | Không chịu rủi ro (hoặc rủi ro rất thấp) |
Mục đích | Đại diện cho mức độ rủi ro trung bình của thị trường | Làm chuẩn để đo lường mức độ rủi ro của các tài sản khác |
- rm đại diện cho mức độ rủi ro trung bình của thị trường, được sử dụng để tính toán phần bù rủi ro.
- rf đại diện cho lãi suất của tài sản không có rủi ro, được sử dụng làm chuẩn để đo lường mức độ rủi ro của các tài sản khác.
Rf ảnh hưởng thế nào đến định giá cổ phiếu?
- Khi Rf tăng: Required Return (chi phí vốn chủ sở hữu) tăng theo công thức CAPM: E(Ri) = Rf + βi(Rm - Rf). Giá Cổ Phiếu giảm, vì dòng tiền tương lai được chiết khấu ở mức Required Return cao hơn
- Khi Rf giảm: Required Return (chi phí vốn chủ sở hữu) giảm. Giá Cổ Phiếu tăng, vì dòng tiền tương lai được chiết khấu ở mức Required Return thấp hơn
Rf có phải là interest rate?
Đúng, Rf thường được xác định bằng lãi suất của trái phiếu chính phủ, đại diện cho lãi suất không có rủi ro.
Rf có bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ không?
Có, Rf chịu ảnh hưởng đáng kể từ chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Khi chính sách tiền tệ thay đổi, Rf cũng sẽ thay đổi theo.
Như vậy, Tikop đã giúp bạn tìm hiểu chi tiết về lãi suất phi rủi ro và vai trò của nó trong đầu tư tài chính. Để có thêm nhiều thông tin hữu ích, bạn đọc có thể tham khảo tại chuyên mục Kiến thức tài chính của Tikop nhé!