Cung cầu là gì?
Cung cầu và giá cả hàng hóa luôn có mối quan hệ vô cùng mật thiết và tác động qua lại với nhau. Các yếu tố này sẽ tác động đến các loại mặt hàng tiêu dùng trong một khoảng thời gian nhất định.
1.1. Khái niệm "Cung" là gì?
Cung là một khối lượng hàng hóa, dịch vụ nhất định mà người bán có thể đáp ứng cho thị trường. Nó tương ứng với những mức giá khác nhau, khả năng sản xuất, chi phí sản xuất trong một thời gian nhất định.
Cung sẽ phục thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như thuế, giá cả nguyên vật liệu, công nghệ, số lượng và khả năng thực hiện của nhà sản xuất. Cung bao gồm cung của thị trường và cung cá nhân. Cung thị trường sẽ bằng tổng của cung cá nhân.
1.2. Khái niệm "Cầu" là gì?
Cầu là một khối lượng hàng hóa, dịch vụ nhất định mà người tiêu dùng muốn mua và sẵn lòng mua. Số lượng hàng hóa, dịch vụ này tương ứng với nhiều mức giá khác nhau, nằm trong một khoảng thời gian xác định. Cầu phụ thuộc vào những yếu tố như khả năng chi trả, mức độ kỳ vọng vào sản phẩm và giá cả của hàng hóa, dịch vụ.
1.3. Mối quan hệ giữa cung, cầu và giá cả thị trường
Mối quan hệ giữa “cung”, “cầu” và “giá cả thị trường” là một mối quan hệ mật thiết, gắn bó và tác động qua lại với nhau. Khi cầu tăng, sản xuất được mở rộng dẫn đến cung tăng. Khi cầu giảm, sản xuất thu hẹp dẫn đến cung giảm.
Khi cung và cầu cân bằng thì giá cả bằng với giá trị của hàng hóa. Khi cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ nhỏ hơn giá trị của hàng hóa. Khi cung nhỏ hơn cầu, giá của của hàng hóa sẽ lớn hơn giá trị của nó. Khi giá cả tăng, cung sẽ tăng, cầu giảm, khi giá cả giảm, cung giảm cầu sẽ tăng.
Việc tăng hay giảm giá của một mặt hàng bất kỳ là sự tách rời giá cả và giá trị của mặt hàng đó. Từ đó sẽ kích thích hoặc hạn chế nhu cầu, khả năng thanh toán cho hàng hóa của người tiêu dùng. Lúc này sự chuyển dịch nhu cầu về hàng hóa sẽ xuất hiện, gây nên sự biến đổi trong mối quan hệ cung cầu. Vậy nên những yếu tố này luôn gắn bó vô cùng chặt chẽ và mật thiết với nhau.
Ý nghĩa và tác dụng của quy luật cung cầu
Là một phần tất yếu của nền kinh tế thị trường, quy luật cung cầu đem đến những ý nghĩa, tác dụng to lớn đến với các chủ thể trong nền kinh tế.
2.1 Đối với Nhà nước
Đối với nhà nước, quy luật cung cầu có một tác dụng vô cùng to lớn. Nó dùng để điều chỉnh tình hình kinh tế của một đất nước. Nếu cầu vượt cung, nhà nước sẽ tiến hành các biện pháp để điều chỉnh, tăng nguồn cung cho thị trường. Khi cung vượt cầu, nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp để kích cầu. Dựa vào quy luật này, nhà nước sẽ thực hiện điều tiết đảm bảo ổn định thị trường. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ tìm ra được kẻ đầu cơ làm lũng đoạn kinh tế.
2.2 Đối với nhà sản xuất, kinh doanh
Đối với nhà sản xuất, kinh doanh, họ dựa vào quy luật cung cầu để điều chỉnh việc kinh doanh của mình sao cho phù hợp với thị trường. Nếu cầu vượt cung, giá cả hàng hóa đang cao hơn giá trị thực tế của sản phẩm. Lúc này nhà sản xuất sẽ tăng sản lượng để tăng lợi nhuận thu về. Khu cung vượt cầu, cần thu hẹp sản xuất để tối ưu lại chi phí, tránh thua lỗ.
2.3 Đối với người tiêu dùng
Người tiêu dùng sẽ dựa vào quy luật cung cầu này để điều chỉnh nhu cầu mua sắm, tối ưu chi phí. Khi có dấu hiệu cầu vượt cung, mức giá bị đẩy lên câu, người tiêu dùng sẽ hạn chế lại nhu cầu, hoạt động mua sắm. Khi cung vượt cầu, họ có thể gia tăng việc mua sắm bởi lúc này giá cả sẽ thấp hơn hoặc bằng giá trị hàng hóa.
Các yếu tố ảnh hưởng tới quy luật cung và cầu
Qua nhiều nghiên cứu về kinh tế học, ta đã rút ra được những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quy luật cung cầu. Những yếu tố này giúp cho nhà nước dễ dàng điều chỉnh, giữ vững sự cân bằng của nền kinh tế. Các thành phần kinh tế khác sẽ dựa vào đây để ra quyết định trong kinh doanh hoặc tiêu dùng.
3.1. Giá cả hàng hóa hoặc dịch vụ
Đây là yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất đến quy luật cung cầu. Nếu giá cả tăng cao thì cầu sẽ giảm, cung tăng. Nếu giá cả hạ thấp thì cung giảm, cầu sẽ tăng. Đơn cử như việc mua sắm ở siêu thị, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những mặt hàng có giá cả tương đối. Nếu giá của mặt hàng đó quá cao mà họ vẫn muốn mua thì họ sẽ chờ đến khi giá cả giảm xuống.
3.2. Giá cả của hàng hóa và dịch vụ có mối liên quan
Quy luật cung cầu hiện diện và bị ảnh hưởng bởi giá cả của hàng hóa và các dịch vụ liên quan. Tất cả các mặt hàng đều có những mức giá khác nhau. Các mặt hàng có thể thay thế nhau nếu có sự chênh lệch về giá. Khi cùng một mặt hàng có cả giá cao và giá thấp, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ nghiêng về bên có giá thấp nhiều hơn.
Đối với các loại mặt hàng bổ sung cho nhau hoặc khó tách biệt cũng được áp dụng. Ví dụ như mặt hàng cafe và đường, khi giá cafe tăng, nhu cầu về mặt hàng này sẽ giảm. Đường là sản phẩm bổ sung, đi liền với cafe nên khi cầu của cafe giảm, cầu của đường cũng sẽ giảm theo. Vậy nên những loại mặt hàng như vậy thường sẽ có xu hướng tăng giảm cung cầu đi liền với nhau.
3.3. Thu nhập cá nhân
Thu nhập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cung và cầu. Bởi cầu là khả năng chi trả của người tiêu dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ. Vậy nên khi thu nhập của người dân tăng lên thì cầu sẽ tăng, lúc này cung sẽ tăng theo dẫn đến số lượng hàng hóa sản xuất tăng. Các gia dịch tiêu dùng sẽ nhiều hơn do mức thu nhập tăng, mức sống sẽ được nâng cao.
Khi thu nhập giảm, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu hoặc không còn khả năng chi trả, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm theo. Ví dụ như khi dịch bệnh, suy thoái kinh tế xảy ra, nhiều người bị mất việc, không có thu nhập, cầu giảm, cung sẽ giảm theo.
Lúc này sẽ xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế. Chính phủ sẽ phải ban hành các chính sách nhằm tăng thu nhập của người dân. Khi đó cung cầu cũng sẽ tăng theo, nền kinh tế sẽ được phục hồi và ổn định trở lại.
3.4. Thị hiếu của xã hội
Thị hiếu của xã hội luôn thay đổi theo từng thời điểm khác nhau. Yếu tố này cũng ảnh hưởng rất lớn đến cung và cầu. Khi một mặt hàng, dịch vụ nào đó trở thành xu hướng, cầu sẽ tăng cao dẫn đến cung cũng tăng theo. Ví dụ như vào kỳ nghỉ hè nhu cầu đi du lịch nhất là những nơi ven biển sẽ tăng cao, lúc này những dịch vụ du lịch giá cả ở nơi đến du lịch sẽ tăng lên.
3.5. Chất lượng hàng hóa
Bất cứ người tiêu dùng nào cũng rất quan tâm, coi trọng chất lượng khi mua hàng hóa, dịch vụ. Nhiều người muốn mua hàng hóa với giá rẻ, chất lượng cao. Nhưng có nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua những món đồ chất lượng tốt nhất.
Ví dụ như các loại sản phẩm công nghệ của Apple đặc biệt là iphone. Cứ mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, những người tiêu dùng sẽ ra sức săn đón, có bằng được cho minh chiếc điện thoại này. Bởi Apple đã xây dựng thành công một thương hiệu xứng tầm, khiến cho người mua không thấy hối hận dù bỏ ra một số tiền lớn.
Những sản phẩm có giá cao cũng đem lại cho người mua sự an tâm hơn. Chất lượng của những sản phẩm này sẽ rất hứa hẹn và được chứng minh trong quá trình sử dụng. Bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn lúc đầu nhưng sẽ chỉ đắt lúc đầu, tiết kiệm khoảng thời gian sau đó bằng việc không cần mua đồ thay thế trong thời gian dài.
3.6. Tổng dân số
Dường như không liên quan những tổng dân số cũng có ảnh hưởng nhất định đến quy luật cung cầu. Cầu của thị trường bằng tổng cầu cá nhân nên khi dân số đông thì nhu cầu sẽ tăng lên rất nhiều lần. Những nơi có đông dân cư cầu sẽ cao hơn từ đó thu hút các cửa hàng, kinh doanh. Tiềm năng kinh doanh ở những khu vực này là rất cao.
3.7. Sự tiến bộ trong công nghệ
Những tiến bộ công nghệ được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh đã trở thành yếu tố ảnh hưởng đến cung cầu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên. Áp dụng công nghệ sẽ giúp cho việc sản xuất được nhiều hơn với chất lượng cao hơn.
Điều này cũng giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.Máy móc công nghệ được phát minh nhiều hơn, ngành sản xuất sẽ trở nên thông minh, hiệu quả hơn. So với trước khi có máy móc, người nông dân trồng lúa rất vất vả với năng suất thấp.
Nhưng ngày nay có thể trồng được những cánh đồng bao la chỉ với vài nhân công nhờ vào máy móc, thiết bị công nghệ. Các sàn thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến ra đời cũng giúp cho các nhà kinh doanh bán được nhiều hơn. Người tiêu dùng cũng mua hàng tiện lợi hơn, có nhiều lựa chọn hơn trước.
3.8. Cơ hội sinh lợi nhuận
Khi nhu cầu, sức mua của người tiêu dùng ngày càng tăng cao người sản xuất sẽ tăng lượng hàng hóa, cánh cửa phân phối sẽ được mở rộng hơn bao giờ hết. Đây là mảnh đất màu mỡ để giúp cho các doanh nghiệp tăng lợi nhuận. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải theo dõi thị trường một cách sát sao để điều chỉnh và tìm ra thời điểm thích hợp.
Quy luật cung và cầu trên thị trường chứng khoán
Cung và cầu là những yếu tố quyết định của các giao dịch trên thị trường chứng khoán. Nó phản ánh bản chất của thị trường và thể hiện qua giá cả. Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán được xếp vào loại giao thương đặc biệt. Quy luật cung cầu chủ yếu có ảnh hưởng lớn đến nhóm nhà đầu tư ngắn hạn, bởi họ thường có tâm lý sợ bỏ lỡ.
Trong thị trường chứng khoán, việc xác định cung cầu là một phân tích kỹ thuật thường được sử dụng. Quy luật này dùng để xem xét hoặc dự đoán sự chuyển động của giá cả. Khi cầu lớn hơn cung giá cả sẽ dịch chuyển theo xu hướng đi lên. Ngược lại, khi cung lớn hơn cầu, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng đi xuống.
Cung là cung cấp, trong chứng khoán nghĩa là bán ra. Điều này phản ánh nguồn cung cổ phiếu mới được bổ sung vào thị trường. Vùng cung còn có tên gọi khác là vùng kháng cự, hoặc vùng bán, vùng phân phối. Khi giá đang ở vùng này thì sẽ có xu hướng tăng lên, đạt được kỳ vọng chạm đỉnh, sẽ đảo chiều giảm. Khi giá nằm trong cùng này, lực bán sẽ chiếm ưu thế hơn lực mua.
Khi đà giảm của giá cổ phiếu dừng lại, bắt đầu tạo đáy và đi ngang trong một khoảng thời gian,có nghĩa là cổ phiếu đang có sự tích lũy. Vùng cung có thể sẽ bị phá vỡ, giá cổ phiếu có thể tăng lên. Nếu vùng cung hoặc cầu có ít nhất một cây nến tăng hoặc giảm giá mạnh di chuyển ra khỏi vùng đó, thì ta có thể xem xét đây là một cơ hội giao dịch tiềm năng. Điểm Breakout là khoảng giá tăng đột biến vượt quá ngưỡng kháng cự.
Nhiều cuộc nghiên cứu về tâm lý của các nhà đầu tư chỉ ra rằng, đa số họ có xu hướng mua và bán theo cảm xúc nhiều hơn việc phân tích các yếu tố của thị trường rồi ra quyết định. Việc hiểu rõ và nắm bắt được quy luật cung cầu sẽ giúp cho các nhà đầu tư có thể đánh giá một cách khách quan về diễn biến giá chứng khoán. Từ đó họ có thể hạn chế tình trạng chạy theo đám đông, đầu tư một cách sáng suốt và có hiệu quả.
Kết luận
Khái niệm cung cầu, quy luật cung cầu là một trong những kiến thức cơ bản của kinh tế. Nó xuất hiện và được áp dụng ở mọi lĩnh vực, khía cạnh trong nền kinh tế xã hội. Ta cần hiểu rõ, nắm được bản chất của quy luật này trong từng hình thái kinh tế, đổi với từng chủ thể kinh tế. Khi đó, mỗi người sẽ có cho mình những bước đi đúng đắn, hạn chế rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường.
Bài viết trên đây đã cung cấp đến bạn những thông tin chi tiết nhất về quy luật cung cầu. Mong rằng bạn đã có cho mình những kiến thức bổ ích. Theo dõi chúng tôi để cập nhật những thông tin về kinh tế mới nhất.