Tỷ suất sinh lời kỳ vọng là gì?
Khái niệm tỷ suất sinh lời kỳ vọng
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng hay tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng là phần trăm lợi nhuận mà nhà đầu tư hy vọng thu được từ số tiền đầu tư ban đầu. Tỷ suất sinh lời kỳ vọng được dùng để đánh giá tỷ suất lợi nhuận mà một khoản đầu tư có thể sinh ra trong một khoảng thời gian cụ thể. Khi tỷ suất sinh lời tăng, lợi nhuận của nhà đầu tư cũng tăng theo, và ngược lại.
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng là phần trăm lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng thu được
Ví dụ về tỷ suất sinh lời kỳ vọng
Dựa trên nghiên cứu và phân tích thị trường, bạn tin rằng cổ phiếu công ty X có tiềm năng tăng giá trong tương lai vì công ty đang hoạt động hiệu quả và có chiến lược phát triển bền vững trong tương lai. Tỷ suất sinh lời kỳ vọng cho cổ phiếu này được ước tính là 10% mỗi năm. Điều này có nghĩa là bạn kỳ vọng rằng cổ phiếu của công ty X sẽ mang lại lợi nhuận trung bình khoảng 10% trong mỗi năm.
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng tiếng Anh là gì?
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng tiếng Anh là Expected Rate of Return.
Cách tính tỷ suất sinh lời kỳ vọng
Công thức tính tỷ suất sinh lời kỳ vọng
Công thức 1:
R(e) = D1/P0 + g
Trong đó:
- R(e): Tỷ suất sinh lời kỳ vọng
- P0: Giá trị cổ phiếu ban đầu
- D1: Cổ tức mỗi cổ phần nhà đầu tư nhận được trong năm
- g: Tỷ lệ tăng trưởng cổ tức đều đặn hàng năm
Công thức 2:
R(e) = (P1 - P0)/P0 x 100%
Trong đó:
- R(e): Tỷ suất sinh lời kỳ vọng
- P0: Giá trị cổ phiếu ban đầu
- P1: Giá trị cổ phiếu cuối kỳ
Bài tập tính tỷ suất sinh lời kỳ vọng
Bài tập áp dụng công thức 1:
Dựa trên thông tin thị trường và dự báo, bạn biết rằng cổ tức mỗi cổ phần nhà đầu tư nhận được trong năm của công ty X (D1) là 50.000 đồng, giá cổ phiếu ban đầu (P0) là 100.000 đồng và tỷ lệ tăng cổ tức dự kiến hàng năm (g) là 0.05 (tức là 5%).
Áp dụng công thức trên, ta có:
- R(e) = D1/P0 + g
- R(e) = 50.000 / 100.000 + 0.05
- R(e) = 0.5 + 0.05
- R(e) = 0.55
Như vậy, tỷ suất sinh lời kỳ vọng khi mua cổ phiếu của công ty X mỗi năm là 55%.
Bài tập áp dụng công thức 2:
Bạn đầu tư 200.000.000 VNĐ vào một quỹ đầu tư với kỳ vọng sinh lời. Sau 3 năm, khoản đầu tư sinh lời, nhà đầu tư nhận tổng tiền là 300.000.000 VNĐ.
- Giá trị cổ phiếu ban đầu P0 = 200.000.000
- Giá trị cổ phiếu cuối kỳ P1 = 300.000.000
- Tỷ suất sinh lời kỳ vọng R(e) = (300.000.000 – 200.000.000) / 200.000.000 x 100% = 50%
Như vậy, tỷ suất sinh lời kỳ vọng của nhà đầu tư khi tham gia quỹ là 50%.
>>> Xem thêm: Quỹ đầu tư chứng khoán là gì? Các quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam
Cách tính tỷ suất sinh lời kỳ vọng khá đơn giản
Lợi ích và hạn chế của tỷ suất sinh lời kỳ vọng
Lợi ích
- Đưa ra một ước tính về lợi nhuận trong tương lai, giúp nhà đầu tư đánh giá và so sánh các lựa chọn đầu tư khác nhau.
- Tỷ suất sinh lợi kỳ vọng được tính dựa trên các yếu tố quan trọng như lịch sử lợi nhuận, tăng trưởng và rủi ro, trở thành một dự đoán đáng tin cậy về lợi nhuận trong tương lai.
- Có công thức đơn giản và dễ tính toán, làm cho tỷ suất sinh lợi kỳ vọng trở thành một công cụ hữu ích cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về đầu tư.
Hạn chế
- Tỷ suất sinh lời kỳ vọng được xây dựng trên giả định về các yếu tố bao gồm lợi nhuận lịch sử và tăng trưởng trong tương lai. Nếu các giả định này không chính xác, tỷ suất sinh lời kỳ vọng sẽ không chính xác.
- Tỷ suất sinh lời kỳ vọng không đánh giá rủi ro của các khoản đầu tư. Điều này có thể dẫn đến đánh giá không chính xác về đầu tư, đặc biệt là trong tình huống thị trường biến động mạnh.
- Tỷ suất sinh lời kỳ vọng không thể hiện mức độ biến động của giá cổ phiếu, gây ra đánh giá không chính xác về tăng trưởng và lợi nhuận trong tương lai.
- Tỷ suất sinh lời kỳ vọng không bao gồm các yếu tố khác như tình trạng kinh tế, chính sách tài chính hoặc biến động lãi suất. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng và lợi nhuận của các công ty.
- Tỷ suất sinh lời kỳ vọng không thích hợp cho các công ty mới vì chúng chưa có lợi nhuận ổn định trong quá khứ để được đánh giá.
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng có nhiều ưu điểm và hạn chế
Trên đây là một số thông tin về tỷ suất sinh lời kỳ vọng là gì và cách tính tỷ suất sinh lời kỳ vọng kèm bài tập ví dụ. Hy vọng bài viết này có thể cung cấp giá trị hữu ích cho bạn. Xem thêm các bài viết về đầu tư tại chuyên mục kiến thức đầu tư chứng khoán nhé!