Mô hình giá là gì?
Khái niệm mô hình giá
Mô hình giá là công cụ phân tích kỹ thuật, mô phỏng lại toàn bộ các hoạt động mua - bán trên thị trường và tạo thành các hình dạng đặc trưng khác nhau. Chúng cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin quý giá về tâm lý thị trường, xu hướng giá, và các điểm mua bán tiềm năng.
Mô hình giá cho biết xu hướng giá của thị trường
Mô hình giá tiếng Anh là gì?
Mô hình giá trong tiếng Anh là Price pattern.
Ý nghĩa của các mô hình giá
Các mô hình giá là những biểu đồ thể hiện sự biến động giá của một tài sản tài chính (như cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ) theo thời gian. Việc phân tích các mô hình giá này giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về thị trường và đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý.
Dự đoán xu hướng: Các mô hình giá giúp nhà đầu tư nhận biết xu hướng tăng/giảm hoặc đi ngang (sideway), từ đó xác định được khả năng đảo chiều xu hướng từ sớm. Nhà đầu tư có thể quyết định mua vào hoặc bán ra nhờ vào các dấu hiệu này.
Xác định điểm mua vào và bán ra: Sự tăng/giảm giá đi ngược lại với xu hướng của tài sản tài chính đánh dấu điểm mua vào hoặc điểm bán ra. Bằng cách xác định chính xác điểm mua và bán, nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro thua lỗ và tối đa hóa lợi nhuận.
- Điểm mua: Khi mô hình giá cho thấy dấu hiệu đảo chiều từ giảm sang tăng hoặc khi xu hướng tiếp diễn được xác nhận.
- Điểm bán: Khi mô hình giá chỉ ra dấu hiệu đảo chiều từ tăng sang giảm hoặc khi xu hướng hiện tại có khả năng kết thúc.
Giảm thiểu rủi ro: Các mô hình giá giúp nhà đầu tư nhận biết những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường, chẳng hạn như sự biến động giá quá lớn hoặc sự hình thành các mô hình đảo chiều, từ đó đặt lệnh cắt lỗ hoặc chốt lời kịp thời.
Tổng hợp 12+ mô hình giá cơ bản trong đầu tư
Các mô hình giá cung cấp những tín hiệu quan trọng về diễn biến của thị trường. Mô hình đảo chiều báo hiệu một sự quay đầu của xu hướng, trong khi mô hình tiếp diễn khẳng định xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục. Nhận biết và phân tích đúng các mô hình này giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định giao dịch hiệu quả hơn.
Mô hình giá đảo chiều
Mô hình đỉnh kim cương (Diamond Top)
Về hình dạng, mô hình đỉnh kim cương có dạng gần giống hình thoi gồm 2 đường hỗ trợ bên dưới kết hợp với 2 đường kháng cự bên trên, điểm giao ở trên tạo thành mức đỉnh và điểm giao ở dưới tạo thành mức đáy.
Sau khi giá giảm vượt qua khỏi cạnh bên phải phía dưới của hình thoi, giá sẽ đảo chiều, bắt đầu xu hướng giảm. Do đó, mô hinh đỉnh kim cương (Diamond Top) là một mô hình đảo chiều báo hiệu xu hướng tăng có thể kết thúc và chuyển sang xu hướng giảm.
Mô hình giá đảo chiều - Mô hình đỉnh kim cương (Diamond Top)
Mô hình vai đầu vai (Head and shoulders)
Mô hình vai đầu vai (Head and shoulders) bao gồm 1 đỉnh thấp gọi là vai trái, 1 đỉnh cao gọi là đầu và 1 đỉnh thấp khác gọi là vai phải. Mô hình này có 2 dạng:
- Vai đầu vai thuận: Hai vai ở trên neckline (Đường viền cổ), cho thấy giá đảo chiều từ tăng sang giảm.
- Vai đầu vai ngược: Hai vai ở dưới neckline, cho thấy giá đảo chiều từ giảm sang tăng.
Trong đó, neckline (Đường viền vai) là đường nối 2 điểm thấp nhất của 2 vai trong dạng vai đầu vai thuận, hoặc là đường nối 2 điểm cao nhất của 2 vai trong dạng vai đầu vai ngược.
Mô hình giá đảo chiều - Mô hình vai đầu vai (Head and shoulders)
Mô hình 2 đáy (Double Bottom)
Mang dạng hình chữ W, mô hình 2 đáy (Double Bottom) cho thấy giá giảm xuống, chạm đáy hai lần gần nhau với 1 lần phục hồi nhẹ ở giữa, rồi bật trở lại. Đây là tín hiệu cho thấy áp lực bán đã suy yếu và xu hướng có thể chuyển sang tăng.
Mô hình giá đảo chiều - Mô hình 2 đáy (Double Bottom)
Mô hình 3 đáy (Triple Bottom)
Tương tự như mô hình 2 đáy (Double Bottom), mô hình 3 đáy (Triple Bottom) hình thành khi giá giảm xuống, chạm đáy ba lần gần bằng nhau, tạo thành một vùng hỗ trợ vững chắc. Xu hướng tăng bắt đầu ngay sau khi giá bật lên từ vùng hỗ trợ này và phá vỡ đường kháng cự.
Tuy vậy, so với mô hình 2 đáy, mô hình 3 đáy cho thấy một tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ hơn. Việc hình thành thêm một đáy nữa cho thấy sự kiên định của vùng hỗ trợ và tăng khả năng thành công của cú đột phá.
Mô hình giá đảo chiều - Mô hình 3 đáy (Triple Bottom)
Mô hình 2 đỉnh (Double Top)
Mô hình 2 đỉnh, hay còn gọi là Double Top, dự báo sự đảo chiều của xu hướng từ tăng sang giảm.
Như hình chữ M, giá đang trong xu hướng tăng gặp vùng kháng cự mạnh không vượt qua được sẽ giảm xuống, tạo thành đỉnh trên đầu tiên của chữ M. Khi giảm, giá lại không vượt qua được đường hỗ trợ nên lại sẽ đổi đẩu tăng, tạo thành đáy - đỉnh dưới chữ M. Sau đó, giá sẽ lặp lại hiện tượng quay đầu khi gặp kháng cự.
Khi giá vượt khỏi đường hỗ trợ, xu hướng giảm bắt đầu. Đây là điểm bán ra tốt nhất mà nhà đầu tư nên nắm bắt.
Mô hình giá đảo chiều - Mô hình 2 đỉnh (Double Top)
Mô hình 3 đỉnh (Triple Top)
Mô hình 3 đỉnh (Triple Top) mang hình dạng ba ngọn núi liên tiếp, thường hình thành trong vòng 3 đến 6 tháng. Sự xuất hiện của đỉnh thứ ba xác nhận rằng xu hướng tăng đã đạt đến đỉnh điểm và một xu hướng giảm mới sắp bắt đầu.
Tương tự như mối liên quan giữa mô hình 2 đáy và mô hình 3 đáy, mô hình 3 đỉnh cho thấy xu hướng giảm mạnh hơn của giá.
Mô hình giá đảo chiều - Mô hình 3 đỉnh (Triple Top)
Mô hình đáy tròn (Rounding Bottom)
Mô hình đáy tròn (Rounding Bottom) cho thấy sự đảo chiều của xu hướng từ giảm sang tăng. Hình dạng của mô hình này giống như một chữ U ngược, thể hiện sự chuyển biến dần dần từ áp lực bán sang áp lực mua. Khi giá vượt qua đường neckline theo hướng đi lên, đó là tín hiệu xác nhận mô hình và xu hướng tăng mới đã bắt đầu.
Mô hình giá đảo chiều - Mô hình đáy tròn (Rounding Bottom)
Mô hình giá tiếp diễn
Mô hình cái nêm (Wedge Pattern)
Mô hình cái nêm (Wedge Pattern) được tạo bởi hai đường hội tụ, có thể báo hiệu sự tiếp diễn của xu hướng hiện tại trong ngắn hạn và sẽ đổi chiều trong tương lai. Hình dạng của mô hình này giống như một cái nêm, với đỉnh hẹp dần về phía trước.
Mô hình nêm giảm và mô hình nêm tăng là hai biến thể chính của mô hình nêm. Cả hai mô hình có cấu trúc tương tự nhau, mô hình nêm giảm thường báo hiệu sự đảo chiều từ giảm sang tăng, trong khi mô hình nêm tăng thường báo hiệu sự đảo chiều từ tăng sang giảm.
Mô hình giá tiếp diễn - Mô hình cái nêm (Wedge Pattern)
Mô hình tam giác (Triangle Pattern)
Mô hình tam giác là một mẫu hình giá đặc trưng bởi sự hội tụ dần của các đường hỗ trợ và kháng cự, tạo thành một hình dạng giống tam giác. Mô hình này thường xuất hiện sau một xu hướng mạnh và cung cấp tín hiệu về sự tạm dừng của xu hướng đó vì cả bên bán lẫn bên mua đều không quyết liệt. Mô hình này có 3 dạng:
- Tam giác tăng dần: Đường hỗ trợ nằm ngang và đường kháng cự dốc lên. Mô hình tam giác tăng dần thường báo hiệu sự tiếp diễn của xu hướng tăng. Sau khi giá phá vỡ đường kháng cự, xu hướng tăng sẽ mạnh mẽ hơn.
- Tam giác giảm dần: Đường kháng cự nằm ngang và đường hỗ trợ dốc xuống. Mô hình tam giác giảm dần thường báo hiệu sự tiếp diễn của xu hướng giảm. Sau khi giá phá vỡ đường hỗ trợ, xu hướng giảm sẽ mạnh mẽ hơn.
- Tam giác đối xứng: Đường hỗ trợ dốc xuống và đường kháng cự dốc lên, giao nhau ở 1 điểm. Mô hình này ít rõ ràng hơn hai loại trên, vì nó có thể báo hiệu cả sự tiếp diễn hoặc đảo chiều của xu hướng. Khi giá phá vỡ, nhà đầu tư cần xem xét thêm các yếu tố khác để đưa ra quyết định.
Mô hình giá tiếp diễn - Mô hình tam giác (Triangle Pattern)
Mô hình chữ nhật (Rectangle Pattern)
Mô hình chữ nhật (Rectangle Pattern) hình thành khi giá dao động giữa một đường hỗ trợ và một đường kháng cự nằm ngang, tạo thành một hình chữ nhật. Mô hình này thường báo hiệu sự tạm dừng của xu hướng hiện tại. Sau khi giá phá vỡ khỏi hình chữ nhật, xu hướng trước đó thường sẽ tiếp tục.
Mô hình giá tiếp diễn - Mô hình chữ nhật (Rectangle Pattern)
Mô hình lá cờ (Flag)
Mô hình lá cờ (Flag) thường xuất hiện sau một giai đoạn biến động giá mạnh mẽ. Mô hình này có đủ cột cờ và lá cờ, với phần cột cờ là đường hỗ trợ và đường kháng cự, còn lá cờ trông giống hình chữ nhật.
Khác với mô hình chữ nhật, mô hình lá cờ có thêm một giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn, tạo ra một hình dạng đặc trưng giống như một lá cờ đang bay. Có 2 loại mô hình lá cờ:
- Lá cờ tăng: Lá cờ tăng xuất hiện sau một xu hướng tăng mạnh, có hình dạng nghiêng xuống và giá phá vỡ lên trên để tiếp tục xu hướng tăng.
- Lá cờ giảm: Lá cờ giảm xuất hiện sau một xu hướng giảm mạnh, có hình dạng nghiêng lên và giá phá vỡ xuống dưới để tiếp tục xu hướng giảm.
>> Xem thêm Mô hình cờ tăng giá là gì? Cách giao dịch hiệu quả với mô hình cờ tăng
Mô hình giá tiếp diễn - Mô hình lá cờ (Flag)
Mô hình cờ đuôi nheo (Pennant)
Sau một đợt biến động giá mạnh, thị trường thường trải qua một giai đoạn tích lũy ngắn hạn, tạo thành mô hình cờ đuôi nheo (Pennant). Đây là một dấu hiệu cho thấy lực lượng thúc đẩy xu hướng ban đầu vẫn còn mạnh mẽ, xu hướng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Mô hình giá tiếp diễn - Mô hình cờ đuôi nheo (Pennant)
Mô hình cốc và tay cầm (Cup and Handle)
Với hình dạng đặc trưng gồm một cốc tròn và một tay cầm nhỏ, mô hình cốc và tay cầm (Cup and Handle) cho thấy thị trường sẽ tiếp tục tăng trong xu hướng tăng hoặc đổi chiều tăng trong xu hướng giảm.
Mô hình giá tiếp diễn - Mô hình cốc và tay cầm (Cup and Handle)
Lưu ý khi phân tích kỹ thuật với mô hình giá
Để đạt được kết quả tốt nhất khi phân tích kỹ thuật với mô hình giá, nhà đầu tư cần lưu ý những điểm sau:
- Kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác: Các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD, Bollinger Bands,... sẽ cung cấp những tín hiệu xác nhận hoặc cảnh báo rủi ro, xác định chính xác điểm vào lệnh và đánh giá sức mạnh của xu hướng khi kết hợp với mô hình giá.
- Lựa chọn khung thời gian phù hợp: Các mô hình được hình thành trên khung thời gian lớn như trung hạn hay dài hạn sẽ có độ chính xác cao hơn là các mô hình ngắn hạn.
- Khối lượng giao dịch: Khối lượng giao dịch lớn và giá vượt khỏi neckline cho thấy thị trường chắc chắn và quyết liệt với xu hướng và do đó xu hướng sẽ được duy trì, không phải hiệu ứng giả.
- Kiên nhẫn: Việc xác định một mô hình giá chính xác đòi hỏi sự kiên nhẫn và quan sát kỹ lưỡng. Quyết định giao dịch nên dựa trên phân tích kỹ thuật và tuân thủ theo kế hoạch giao dịch đã được tính toán kỹ càng chứ không phải cảm xúc.
Trên đây là bài viết Mô hình giá là gì? Tổng hợp 12+ mô hình giá cơ bản trong đầu tư. Theo dõi chuyên mục Kiến thức Đầu tư Chứng khoán tại Tikop để nhận các bài viết hữu ích nhé!