Cho vay có tài sản đảm bảo là gì?
Khái niệm cho vay có tài sản đảm bảo
Cho vay có tài sản đảm bảo là hình thức cho vay mà người đi vay phải dùng tài sản để thế chấp, cầm cố,… để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tài sản đảm bảo có thể là tài sản riêng của người đi vay, tài sản hình thành từ vốn vay hoặc có thể dùng tài sản của bên thứ ba.
Cho vay có tài sản đảm bảo nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của người vay
Ví dụ về cho vay có tài sản đảm bảo
Khi cần vay một khoản vay 2 tỷ để đầu tư, khách hàng có thể dùng tài sản đảm bảo là một ngôi nhà trị giá 3 tỷ. Hoặc nếu khách hàng muốn vay tiền mua chung cư, khách hàng cũng có thể dùng căn chung cư sắp mua để làm tài sản đảm bảo.
Cho vay có tài sản đảm bảo tiếng Anh là gì?
Cho vay có tài sản đảm bảo tiếng Anh là Secured Loan.
Tài sản đảm bảo gồm những gì?
Hiện nay vẫn chưa có định nghĩa tài sản đảm bảo là gì nhưng Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP có quy định các loại tài sản có thể được dùng để bảo đảm:
- Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai (trừ các trường hợp bị cấm mua bán, chuyển nhượng,…). Các bên không được mua bán, tặng cho, chuyển giao,…khi chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận.
- Tài sản được bán trong hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu cho đến khi bên mua thực hiện xong nghĩa vụ của mình.
- Tài sản là đối tượng của nghĩa vụ phải thực hiện mà bị vi phạm với biện pháp cầm giữ trong hợp đồng song vụ.
- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Đặc điểm của cho vay có tài sản đảm bảo
Hình thức cho vay có tài sản đảm bảo có một số đặc điểm như:
- Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm: Tài sản phải có giá trị lớn hơn nghĩa vụ trả nợ để đảm bảo quyền lợi của đơn vị cho vay và khiến người đi vay có động lực trả nợ.
- Tài sản phải hợp pháp: Tài sản phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người vay hoặc người bảo lãnh và được pháp luật cho phép giao dịch.
- Tài sản phải có tính thanh khoản: Tài sản phải có khả năng bán được. Độ thanh khoản của tài sản càng cao thì càng có lợi.
3 đặc điểm của cho vay có tài sản đảm bảo
Phân loại cho vay có tài sản đảm bảo
Phân loại các hình thức cho vay có tài sản đảm bảo
Hình thức vay thế chấp
Vay thế chấp là hình thức bên vay dùng tài sản đảm bảo là bất động sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Căn cứ theo tính chất pháp lý, có 2 loại vay thế chấp:
- Thế chấp pháp lý: Khách hàng lập sẵn giấy sang nhượng chủ quyền, ngân hàng có quyền bán hay quản lý tài sản đó nếu khách hàng không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
- Thế chấp công bằng: Ngân hàng giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, khi ngân hàng muốn phát mãi tài sản cần phải chờ phán quyết của tòa án.
Căn cứ vào số lần thế chấp, có 2 loại là:
- Thế chấp thứ nhất: Tài sản thế chấp cho một món vay.
- Thế chấp thứ hai: Tài sản thế chấp cho món nợ thứ nhất nhưng giá trị thế chấp còn thừa ra, khách hàng dùng phần thừa đó để thế chấp cho một món nợ nữa.
>> Xem thêm: Vay tín chấp là gì? Sự khác nhau giữa vay tín chấp và vay thế chấp
Hình thức cầm cố
Cầm cố là hình thức người đi vay chuyển giao tài sản của mình sang cho bên cho vay cất giữ để bảo đảm số nợ vay trong một thời gian nhất định. Có các loại cầm cố sau:
- Cầm cố hàng hóa: Bên cho vay quản lý hàng hóa đảm bảo và có thể bán để thu hồi nợ nhanh chóng khi khách hàng không trả được nợ. Hàng hoá cần có giá trị ổn định, dễ tiêu thụ và được phép lưu thông, kinh doanh.
- Cầm cố chứng khoán: Bên đi vay chuyển giao các chứng khoán cầm cố để nhận tiền vay. Các loại chứng khoán cầm cố thường là công trái, trái phiếu kho bạc, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và các giấy nợ khác,…
- Cầm cố các chứng chỉ tiền gửi: Các loại tiền gửi cầm cố thường là tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn. Nếu dùng tiền gửi thanh toán để thanh toán, phần tiền đó sẽ bị phong toả.
- Cầm cố vàng, đá quý, ngọc quý: Khách hàng có thể dùng các kim loại quý để cầm cố.
- Bảo đảm bằng hợp đồng nhận thầu: Người đi vay nhượng lại hợp đồng nhận thầu cho ngân hàng để được tài trợ vốn.
Hình thức bảo lãnh
Nếu người đi vay không có tài sản cầm cố, thế chấp thì có thể nhờ bên thứ ba đứng ra bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ. Bảo lãnh là hình thức mà pháp nhân hay cá nhân đem tài sản, uy tín để đảm bảo cho một người khác. Trong một số trường hợp, ngân hàng cũng yêu cầu người đi vay phải có người bảo lãnh cho các khoản vay đã có tài sản đảm bảo để giảm rủi ro.
>> Xem thêm: Bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì? Ưu, nhược điểm của bảo lãnh
Quy trình cho vay có tài sản đảm bảo
Quy trình cho vay có tài sản đảm bảo
Quy trình cho vay có tài sản đảm bảo gồm các bước cơ bản sau:
- Bước 1: Xác định thông tin khách hàng
Đây là bước quan trọng giúp ngân hàng đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó đưa ra quyết định cho vay phù hợp. Các thông tin cần xác định thường là thông tin cá nhân (tên, năm sinh, giới tính, địa chỉ, số điện thoại, email,...), thông tin tài chính (thu nhập, lịch sử tín dụng,...) và mục đích vay vốn (mục đích, số tiền, thời hạn vay,...). Có thể xác định thông tin khách hàng qua trao đổi trực tiếp, xem hồ sơ vay vốn hoặc thẩm định tín dụng.
- Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ vay
Chuẩn bị đầy đủ và chính xác hồ sơ vay vốn giúp ngân hàng nhanh chóng đánh giá được khả năng vay và khả năng trả nợ của khách hàng. Hồ sơ vay vốn thường bao gồm hồ sơ pháp lý (CMND/CCCD, hộ khẩu/sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân,…), hồ sơ tài chính (hợp đồng lao động, sao kê lương, bảng kê khai thu nhập,….) và hồ sơ mục đích vay vốn (hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, giấy tờ chứng minh tài sản thế chấp,…).
- Bước 3: Ngân hàng thẩm định
Thẩm định tài sản thế chấp là quá trình đánh giá giá trị và khả năng thanh khoản của tài sản thế chấp, đảm bảo khả năng thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ. Thẩm định tài sản thế chấp thường dùng các phương pháp như thẩm định thực tế (cán bộ trực tiếp thẩm định), thẩm định giá (ngân hàng thuê công ty thẩm định giá chuyên nghiệp) hoặc thẩm định qua hồ sơ (ngân hàng thẩm định dựa trên hồ sơ pháp lý và tài liệu).
- Bước 4: Ngân hàng phê duyệt khoản vay
Ngân hàng phê duyệt khoản vay dựa trên thông tin khách hàng, tài sản thế chấp cùng các điều kiện khác (nếu có). Bên cạnh đó, các thông tin về tình hình tài chính kinh tế cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của ngân hàng.
- Bước 5: Giải ngân
Thủ tục giải ngân thường bao gồm nhiều bước. Trước hết 2 bên sẽ ký hợp đồng tín dụng, sau đó khách hàng sẽ nộp hồ sơ giải ngân và ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân khoản vay.
>> Xem thêm: Vay vốn cho sinh viên: Hình thức, điều kiện, thủ tục vay hiện nay
Lưu ý khi thực hiện vay có tài sản đảm bảo
Khi thực hiện vay có tài sản đảm bảo, cần lưu ý một số điểm sau:
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ: Hồ sơ càng đầy đủ thì thời gian ngân hàng xem xét càng nhanh chóng và các thủ tục cũng diễn ra thuận lợi hơn.
- Tìm hiểu quy định, điều kiện vay vốn: Mỗi ngân hàng sẽ có các quy định khác nhau về điều kiện vay vốn, cần tìm hiểu kỹ để đánh giá mức độ phù hợp đối với tình trạng bản thân, tránh lãng phí thời gian.
- Lựa chọn ngân hàng: Nên lựa chọn các ngân hàng uy tín, có thủ tục cũng như mức lãi suất phù hợp với tình trạng bản thân.
Cần lựa chọn ngân hàng và hìnht hức vay phù hợp với điều kiện bản thân
Câu hỏi thường gặp
Vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo là gì?
Vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo là hình thức vay phải dùng tài sản để thế chấp, cầm cố nhằm đảm bảo khả năng trả nợ.
Lãi suất cho vay có tài sản đảm bảo là bao nhiêu?
Lãi suất cho vay có tài sản đảm bảo ở mỗi ngân hàng là khác nhau, khách hàng nên tham khảo ở các ngân hàng mình tin tưởng.
Hạn mức cho vay có tài sản đảm bảo tối đa là bao nhiêu?
Hạn mức cho vay có tài sản đảm bảo tối đa là 70% giá trị tài sản đảm bảo.
Dư nợ cho vay có tài sản đảm bảo là gì?
Dư nợ cho vay có tài sản đảm bảo là phần giá trị còn thừa ra của tài sản đảm bảo sau khi đã đảm bảo cho một khoản vay.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về cho vay có tài sản đảm bảo là gì và quy trình cho vay có tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Đừng quên theo dõi chuyên mục Thu nhập và chi tiêu tại Tikop để không bỏ lỡ kiến thức bổ ích nhé!