Room tín dụng là gì?
Khái niệm room tín dụng
Room tín dụng là thuật ngữ trong ngành ngân hàng, dùng để chỉ hạn mức cho vay tối đa của một ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định room tín dụng cho toàn ngành vào mỗi năm. Tỷ lệ room tín dụng cho mỗi ngân hàng thương mại dựa trên mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Room tín dụng là khái niệm quen thuộc
Room tín dụng tiếng Anh là gì?
Room tín dụng trong tiếng Anh là Credit Room.
Ví dụ về room tín dụng
Đầu năm 2023, HDBank được cấp room tín dụng 11%, Vietcombank hạn mức 9.6%, Techcombank hạn mức 9.5%,...
Các khái niệm liên quan về room tín dụng
Hết room tín dụng là gì?
Hết room tín dụng (hay cạn room tín dụng) chỉ tình huống ngân hàng đã sử dụng hết giới hạn tín dụng được ngân hàng Nhà nước quy định trước đó và không thể tiếp tục cho vay. Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát triển tín dụng của ngân hàng.
Nới room tín dụng là gì?
Khi ngân hàng hết room tín dụng và không thể cho khách hàng vay, các ngân hàng có thể yêu cầu ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng. Lúc này, ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tăng thêm giới hạn cho vay của các ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng sẽ được nới room tín dụng với hạn mức khác nhau, dựa trên năng lực quản trị rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu,… Các ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn và chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả thường được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Các ngân hàng thương mại rất muốn nới room tín dụng
Siết room tín dụng là gì?
Siết room tín dụng là việc ngân hàng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng trong một số lĩnh vực nhất định, thường là các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản,... Mục tiêu của ngân hàng là không để tín dụng những ngành này tăng trưởng quá cao và quá nhanh.
>> Xem thêm: Thẻ tín dụng là gì? Cách mở thẻ tín dụng và những lưu ý quan trọng
Mục đích áp room tín dụng ở các ngân hàng
Đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng
Nếu nguồn cung tiền trên thị trường tăng cao sẽ dẫn đến lạm phát, việc áp dụng room tín dụng giúp hạn chế và ngăn chặn tình trạng này. Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát lượng tiền trong hệ thống tài chính.
Room tín dụng còn giúp ngân hàng giảm thiểu được những rủi ro tài chính hay nợ xấu. Điều này giúp cân bằng và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Room tín dụng giúp ổn định hoạt động của ngân hàng
Kiểm soát tốc độ tín dụng
Nếu không có room tín dụng, các ngân hàng cho vay nhiều sẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Khi tăng trưởng tín dụng vượt quá khả năng quản trị của ngân hàng, nhiều hệ lụy có thể xảy ra như lạm phát, mất cân đối về nguồn cung vốn, rủi ro thanh khoản,...
Nâng cao, đảm bảo chất lượng tín dụng
Room tín dụng khiến ngân hàng cẩn trọng, thẩm định nghiêm túc hơn trong việc duyệt hồ sơ cho vay. Điều này giúp cho các ngân hàng kiểm soát được khả năng thanh toán của khách hàng cũng như kiểm soát được nợ xấu.
>> Xem thêm: Lãi suất cho vay là gì? Hình thức lãi suất cho vay hiện nay
Ngân hàng Nhà nước phân bổ room tín dụng như thế nào?
Tùy theo định hướng tăng trưởng cùng với tình hình tăng trưởng tín dụng của năm trước, ngân hàng Nhà nước sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với diễn biến thực tế. Ngoài ra, một số cơ sở để phân bổ room tín dụng còn có mục tiêu tăng trưởng GDP, lạm phát, dự toán ngân sách Nhà nước,...
Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ vào khoảng 14-15%. Đến tháng 7 năm 2023, hạn mức tín dụng được phân bổ cho toàn hệ thống với mức tổng tăng trưởng là 14.5%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức cầu tín dụng khá yếu, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước xem xét nhiều chỉ tiêu để phân bố room tín dụng
Tác động của nới room tín dụng đến nền kinh tế
Room tín dụng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tài chính, kinh tế,... của một quốc gia. Tuy nhiên, việc thiết lập room tín dụng cũng phần nào hạn chế khả năng phát triển của các ngân hàng.
Cụ thể, ảnh hưởng tích cực của việc nới room tín dụng là:
- Mở rộng khả năng vay vốn phát triển sản xuất: Nới room tín dụng giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nguồn vốn, tăng cường sản xuất kinh doanh.
- Tăng tiêu dùng thúc đẩy phát triển kinh tế: Người tiêu dùng khi có nhiều tiền trong tay sẽ tăng mua sắm, chi tiêu,... thúc đẩy phát triển kinh tế.
Việc nới room tín dụng tồn tại một số nhược điểm sau:
- Gia tăng lạm phát: Khi nhiều vốn lưu thông trên thị trường sẽ khiến giá cả tăng cao, từ đó khiến chỉ số lạm phát tăng.
- Rủi ro tín dụng và nợ xấu: Phạm vi cho vay của ngân hàng rộng hơn sẽ khiến số người được vay tăng lên, dẫn đến việc kiểm soát chất lượng tín dụng không được đảm bảo, tăng nguy cơ nợ xấu.
Nới room tín dụng tác động tích cực đến nền kinh tế
Chi tiết room tín dụng ngân hàng mới nhất 2023
Các ngân hàng thương mại được cấp room tín dụng đợt đầu năm 2023 là:
Ngân hàng | 2023 | 2022 |
MSB | 13.5% | 9.5% |
HD Bank | 11% | 15% |
ACB | 9.8% | 10% |
VIB | 9.5% | 10% |
TP Bank | 9.1% | 11.5% |
VP Bank | 9% | 15% |
MB | 9% | 15% |
LienVietPostBank | 8% | 10% |
Các ngân hàng được điều chỉnh room tín dụng vào tháng 7 năm 2023:
Ngân hàng | Hạn mức tín dụng đầu năm | Hạn mức tín dụng điều chỉnh |
MBB | 9.0% | 24.0% |
VPB | 9.0% | 24.0% |
VIB | 9.5% | 14.25% |
ACB | 9.8% | 15.0% |
BID | 9.0% | 14.5% |
CTG | 8.3% | 14.0% |
TCB | 9.5% | 14.0% |
TPB | 9.5% | 14.0% |
HDB | 10.5% | 13.5% |
STB | 7.4% | 11.0% |
VCB | 9.7% | 9.7% |
Các câu hỏi thường gặp về room tín dụng
Room tín dụng ngân hàng là gì?
Room tín dụng ngân hàng là hạn mức cho vay của một ngân hàng.
Khi nào ngân hàng nới room tín dụng?
Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại khi các ngân hàng đó có mức tăng trưởng tín dụng và chiến lược quản trị rủi ro tốt. Bên cạnh đó ngân hàng Nhà nước còn dựa vào một số cơ sở khác như chính sách Nhà nước, tình hình kinh tế hiện tại,...
Tại sao ngân hàng hết room tín dụng?
Khi ngân hàng cho vay đến giới hạn được ngân hàng Nhà nước cho phép thì ngân hàng hết room tín dụng.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về room tín dụng. Đừng quên theo dõi Tikop để không bỏ lỡ kiến thức tài chính bổ ích nhé!