Hạn mức tín dụng là gì?
Định nghĩa hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng là mức vay tối đa (hay số dư nợ tối đa) mà khách hàng có thể vay của các tổ chức tín dụng vào một thời điểm theo quy định của tổ chức tín dụng đó. Mức vay được xác định dựa trên nhiều yếu tố như thu nhập, lịch sử tín dụng, hồ sơ tài chính cá nhân,...
Ví dụ hạn mức tín dụng
Tổ chức tín dụng cấp cho bạn hạn mức 100 triệu đồng/tháng thì trong 1 tháng bạn được vay nhiều lần, miễn sao khoản vay cuối tháng không được vượt quá 100 triệu đồng.
Ngày càng có nhiều người quan tâm đến hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng tiếng Anh là gì?
Hạn mức tín dụng trong tiếng Anh là Line of Credit.
Các loại hạn mức tín dụng
Có 2 loại hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng trung kỳ
Hạn mức tín dụng trung kỳ là mức bổ sung trong trường hợp khách hàng có nhu cầu vay vượt hạn mức tín dụng cuối kỳ. Khách hàng có thể vay và hoàn trả ngay trong kỳ để bảo đảm số dư nợ thực tế cuối kỳ không vượt quá hạn mức tín dụng cuối kỳ.
Hạn mức tín dụng cuối kỳ
Hạn mức tín dụng cuối kỳ là mức dư nợ được cho vay vào ngày cuối kỳ, bạn không được vay vượt quá hạn mức này.
>> Xem thêm Room tín dụng là gì? Tác động khi nới room tín dụng ngân hàng
Điều kiện được cấp hạn mức tín dụng
Mỗi tổ chức tín dụng sẽ có những quy định khác nhau về hạn mức tín dụng, tuy nhiên sẽ có một vài điểm chung như sau:
- Thời gian hoạt động kinh doanh liên tục từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm đăng ký đối với doanh nghiệp trong nước.
- Ngành nghề kinh doanh phải phù hợp với mục đích vay tiền, kế hoạch kinh doanh,...
- Doanh nghiệp phải có năng lực tài chính và hoạt động kinh doanh phải có phương án khả thi để đảm bảo khả năng trả nợ.
- Phải có tài sản sở hữu có thể đảm bảo khoản vay.
- Không có lịch sử nợ xấu.
Ngân hàng xét duyệt nhiều yếu tố để quyết định hạn mức tín dụng
Hướng dẫn xem hạn mức thẻ tín dụng
Gói chào đón của ngân hàng
Thông thường, đội ngũ tư vấn của các ngân hàng khi tư vấn bất kỳ gói vay hay chương trình tài chính nào cho khách hàng đều sẽ đề cập rất rõ về hạn mức tín dụng cũng như các khoản phí, các chương trình ưu đãi từ phía ngân hàng.
Xem trực tiếp tại ngân hàng
Bạn có thể nhờ nhân viên tại các chi nhánh, phòng giao dịch kiểm tra hạn mức tín dụng của bản thân hay doanh nghiệp mình sở hữu.
Liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng các tổ chức tín dụng
Khách hàng hoàn toàn có thể gọi điện cho nhân viên chăm sóc khách hàng của các tổ chức tín dụng để kiểm tra hạn mức. Đương nhiên là bạn cần cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân cần thiết để được hỗ trợ và có thể mất cước phí điện thoại.
Liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng để kiểm tra hạn mức tín dụng
Xem qua các ứng dụng ngân hàng trực tuyến
Bạn có thể xem hạn mức tín dụng thông qua các ứng dụng/ app của các tổ chức tín dụng. Thông thường, thông tin này sẽ nằm trong mục thông tin tài khoản thẻ.
>> Xem thêm: App quản lý chi tiêu là gì? 10 ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tốt nhất hiện nay
Xem tại các cây ATM
Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra hạn mức tín dụng của bản thân thông qua thẻ ATM tại các cây ATM bằng chức năng kiểm tra hạn mức tín dụng. Chỉ cần mang thẻ ATM đến các máy ATM để thực hiện thao tác.
Sao kê thẻ tín dụng
Mỗi tháng, ngân hàng đều gửi một bảng sao kê chi tiêu qua tin nhắn điện thoại hoặc email tùy theo hình thức bạn đã đăng ký. Bạn có thể dễ dàng kiểm tra hạn mức tín dụng của bản thân cũng như những khoản mà mình đã chi tiêu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng
Tài sản
Tài sản là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng. Đặc biệt đối với các khoản vay của doanh nghiệp, tài sản chính là chìa khóa giúp người đi vay có thể chứng minh khả năng chi trả của mình, tăng lòng tin nơi ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Tài sản sở hữu ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng
Công việc
Công việc ổn định chứng minh rằng bạn có khả năng trả nợ trong dài hạn. Hiện nay, khá nhiều ngân hàng sẽ cấp hạn mức tín dụng theo cấp số nhân lương của khách hàng. Vì vậy, thu nhập càng cao thì hạn mức tín dụng mà bạn được cấp cũng sẽ cao.
>> Xem thêm: Nguồn thu nhập thụ động là gì? 19 cách phổ biến để tạo ra nguồn thu nhập thứ 2
Lịch sử thanh toán
Nợ xấu, số lượng thẻ tín dụng, thói quen chi tiêu,... đều được xem xét để quyết định hạn mức tín dụng. Vì vậy, bạn cần quan tâm đến lịch sử thanh toán của mình.
Có thể thay đổi hạn mức tín dụng khi nào?
Ngân hàng xét duyệt tự động
Các tổ chức tín dụng sẽ dựa vào lịch sử chi tiêu, lịch sử tín dụng hay thời gian sử dụng thẻ để xem xét nâng hạn mức tín dụng. Nếu không đồng ý với hạn mức mới, bạn có thể yêu cầu ngân hàng giữ lại hạn mức cũ.
Yêu cầu tăng hạn mức tín dụng
Bạn chỉ có thể gửi yêu cầu cùng các chứng từ liên quan cho nhân viên ngân hàng để xét duyệt nâng hạn mức tín dụng. Ngân hàng cũng sẽ dựa vào lịch sử tín dụng để xem xét có tăng hạn mức hay không. Ngoài ra bạn cũng có thể đề nghị nâng hạn mức đột xuất trong một thời gian ngắn nếu có nhu cầu rồi sau đó sẽ trở lại như cũ.
Bạn có thể yêu cầu ngân hàng tăng hạn mức tín dụng
Hướng dẫn tăng hạn mức tín dụng
Thanh toán đúng hạn
Thanh toán đúng hạn là điều kiện tiên quyết để có một lịch sử tín dụng đẹp và đáng tin cậy trong mắt ngân hàng. Việc thường xuyên trả nợ tín dụng trễ sẽ làm giảm uy tín của bạn và sẽ rất khó để nâng hạn mức tín dụng.
Chi tiêu bằng thẻ thường xuyên
Thường xuyên chi tiêu cũng là một cách giúp ngân hàng “có cảm tình” với bạn nhiều hơn và được đánh giá cao hơn. Ngân hàng sẽ chủ động tăng hạn mức để khuyến khích bạn chi tiêu nhiều hơn nữa.
Chi tiêu thường xuyên giúp tăng hạn mức tín dụng
Tăng thời gian sử dụng thẻ
Thời gian sử dụng thẻ cũng quyết định bạn có phải là một khách hàng “trung thành” hay chỉ mở thẻ nhằm hưởng các ưu đãi của ngân hàng trong một thời điểm. Vì vậy, đừng mở và đóng quá nhiều thẻ tín dụng trong thời gian ngắn nhé.
Quy định về hạn mức tín dụng tại Việt Nam
Điều 2, Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 43/QĐ-NH14 quy định về hạn mức tín dụng:
- Hàng quý, NHNN giao hạn mức tín dụng cho từng tổ chức tín dụng và quản lý kiểm soát quá trình thực hiện hạn mức tín dụng đối với tất cả các tổ chức tín dụng được giao.
- Hạn mức tín dụng được giao căn cứ tổng hạn mức tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, được Thống đốc phê duyệt cho các tổ chức tín dụng theo các chỉ tiêu:
- Hạn mức tín dụng của Ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua hình thức tái cấp vốn.
- Hạn mức tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế.
Chỉ tiêu hạn mức tín dụng đối với nền kinh tế giao cho tổ chức tín dụng là chỉ tiêu khống chế tối đa, tổ chức tín dụng không được phép vi phạm trong suốt quá trình thực hiện.
- Các tổ chức tín dụng được phép mua, bán lẫn nhau về hạn mức tín dụng đối với nền kinh tế trong phạm vi chỉ tiêu được NHNN giao.
- Hạn mức tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế được quản lý chặt chẽ; nếu tổ chức tín dụng vi phạm, NHNN sẽ tiến hành phạt trên số tiền cho vay vượt hạn mức được giao, số tiền phạt tính theo công thức:
F = (C - C*) (r + 0,3)t
F: Số tiền phạt do vượt hạn mức tín dụng
C*: Dư nợ tính theo hạn mức tín dụng được giao
C: Dư nợ thực tế của tổ chức tín dụng trong ngày
(r + 0,3): Lãi suất phạt:
Trong đó:
- r: là lãi suất tối đa cho vay khách hàng của tổ chức tín dụng (%/tháng)
- 0.3: Mức lãi suất phạt phụ thêm
- t: Thời gian vượt hạn mức (tính theo tháng)
Câu hỏi thường gặp
Phí vượt hạn mức tín dụng là gì?
Phí vượt hạn mức tín dụng là khoản tiền khách hàng phải trả cho các tổ chức tín dụng khi có mức vay cao hơn hạn mức tín dụng được cấp.
Cần phải trả phí nếu chi tiêu vượt hạn mức tín dụng
Cấp hạn mức tín dụng là gì?
Cấp hạn mức tín dụng là việc ngân hàng hay các tổ chức tín dụng sau khi xem xét đánh giá sẽ quyết định một mức vay mà một cá nhân hay tổ chức có thể được vay.
Hợp đồng hạn mức tín dụng là gì?
Hợp đồng hạn mức tín dụng là văn bản thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với cá nhân, tổ chức để thông báo về một hạn mức vay mà cá nhân hay tổ chức được hưởng.
Tăng hạn mức tín dụng là gì?
Tăng hạn mức tín dụng là việc ngân hàng nâng cao mức cho vay đối với một cá nhân hay tổ chức vì họ chứng minh được khả năng chi trả và có lịch sử tín dụng tốt.
Số dư hạn mức tín dụng là gì?
Số dư hạn mức tín dụng là khoản tiền được phép vay mà bạn chưa sử dụng.
Số dư hạn mức tín dụng là khoản tiền bạn có thể sử dụng để chi tiêu
Hạn mức tín dụng 0 đồng là gì?
Hạn mức 0 đồng tức là khách hàng đã chi tiêu hết hạn mức được cấp. Lúc này số dư hạn mức tín dụng sẽ hiển thị 0 đồng.
Hạn mức dự phòng thẻ tín dụng là gì?
Hạn mức tín dụng dự phòng thẻ tín dụng là mức tín dụng mà ngân hàng sẵn sàng cho vay thêm trong phạm vi hạn mức tín dụng nhất định ngoài mức tín dụng được ký ban đầu.
Hạn mức khả dụng thẻ tín dụng là gì?
Hạn mức tín dụng khả dụng là số tiền còn lại trong thẻ tín dụng mà bạn có thể chi tiêu.
Có thể sử dụng tối đa bao nhiêu hạn mức thẻ tín dụng?
Việc sử dụng tối đa bao nhiêu hạn mức thẻ tín dụng sẽ phụ thuộc vào số thẻ bạn có, lịch sử tín dụng và lịch sử chi tiêu tại mỗi thời điểm của mỗi khách hàng.
Hy vọng bài viết trên của Tikop đã cung cấp những thông tin cần thiết cho bạn về hạn mức tín dụng. Đừng quên theo dõi Tikop để cập nhật những kiến thức tài chính bổ ích nhé!