Tỷ giá trung tâm là gì?
Khái niệm tỷ giá trung tâm
Đầu tiên, cần hiểu về mô hình tỷ giá của Việt Nam, tức là cách xác định tỷ giá của nội tệ (VND) so với ngoại tệ (Đơn vị tiền tệ của quốc gia khác). Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tỷ giá dao động trong một biên độ quy định (hiện là ±5%). Khi đó, tỷ giá không cố định mà có thể dao động tăng/giảm 5% trong cùng một ngày.
Tỷ giá trung tâm là mức tỷ giá tham chiếu do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày, từ đó có thể xác định mức tỷ giá trần và tỷ giá sàn. Điều này giúp NHNN quản lý mức tỷ giá tốt hơn, phòng tránh trường hợp tỷ giá bị đẩy lên quá cao hoặc quá thấp trong một thời gian ngắn.
Khái niệm tỷ giá trung tâm
Tỷ giá trung tâm tiếng Anh là gì?
Tỷ giá trung tâm trong tiếng Anh là Central Exchange Rate.
Lịch sử điều chỉnh tỷ giá trung tâm
Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ, tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác.
Quyết định này được đưa ra khi thị trường tiền tệ có nhiều biến động, đặc biệt là khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ. Điều này khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá, trái với cam kết trước đó là không tăng quá 2% mỗi năm. Thêm vào đó, việc FED tăng lãi suất vào năm 2015 cũng đã tạo ra những khó khăn ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Do đó, NHNN đã áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ. Tỷ giá buổi sáng có thể tăng, buổi chiều có thể giảm, tuy theo diễn biến thị trường chứ không cố định trong một thời gian dài như thời điểm trước năm 2016.
Lịch sử điều chỉnh tỷ giá trung tâm:
Ngày 03/01/2016, NHNN Việt Nam chính thức công bố tỷ giá trung tâm USD/VND là 21.890 đồng.
Ngày 30/12/2016, tỷ giá trung tâm đạt mức 22.159 đồng/USD, tăng 1,24% so với hồi đầu năm.
Ngày 20/10/2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.465 đồng/USD, tăng 1,39% so với đầu năm.
Đến cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm đang ở mức 22.825 đồng/USD, tăng 1,78% so với cuối năm 2017.
Trong năm 2019, tỷ giá trung tâm đã có 3 lần lập đỉnh mới, lần lượt 22.998 đồng/USD, 23.004 đồng/USD và 23.115 đồng/USD vào đầu tháng 8.
Ngày 24/03/2020, tỷ giá trung tâm ở mức 23.259 đồng/USD.
Sáng ngày 07/12/2021, tỷ giá trung tâm đạt 23.237 đồng/USD.
Ngày giao dịch cuối năm 31/12/2022, tỷ giá trung tâm ở mức 23.612 đồng/USD.
Sáng ngày 31/12/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.866 đồng/USD.
Tỷ giá trung tâm của VND so với USD hiện nay
Tỷ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 24.118 VND (Cập nhật ngày 28/09/2024)
Tỷ giá trung tâm | Tỷ giá |
1 Đô la Mỹ = | 24.118 VND |
Bằng chữ | Hai mươi tư nghìn một trăm mười tám Đồng Việt Nam |
Số văn bản | 334/TB-NHNN |
Ngày ban hành | 28/09/2024 |
Nguồn: sbv.gov.vn
Mức tỷ giá trung tâm hiện nay
Cơ chế tỷ giá trung tâm vận hành
Theo điều 30, Chương 5, Pháp lệnh số 28/2005/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tương tự, tỷ giá trung tâm sẽ được điều chỉnh dựa vào diễn biến thị trường và được cập nhật ít nhất 2 lần mỗi ngày (sáng và chiều).
Từ tỷ giá trung tâm, Ngân hàng Nhà nước có thể xác định tỷ giá NHNN mua vào và tỷ giá NHNN bán ra để giao dịch với các Ngân hàng Thương mại. Mức tỷ giá mua và tỷ giá bán sẽ không được vượt quá tỷ giá trần và tỷ giá sàn (được xác định dựa vào biên độ dao động).
Ví dụ: Giả sử Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm là 24.000 VND/USD với biên độ dao động là 5%. Như vậy, có thể xác định tỷ giá trần là 25.200 VND và tỷ giá sàn là 22.800 VND. Khi đó, mức tỷ giá mua và tỷ giá bán có thể dao động tăng/giảm trong khoảng từ 22.800 VND đến 25.200 VND.
Cơ chế tỷ giá trung tâm vận hành
Cách tính tỷ giá trung tâm của VND so với USD
Tỷ giá trung tâm của VND so với USD được xác định dựa trên tỷ giá bình quân quyền, diễn biến tỷ giá quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô và mức độ phù hợp với chính sách tiền tệ do Nhà nước ban hành. Tỷ giá bình quân gia quyền ở đây là mức giá trung bình của nhiều giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Cụ thể là 8 đồng tiền: USD, bath Thái Lan, EUR, nhân dân tệ (CNY), đô la Singapore, yên Nhật, won Hàn Quốc, đồng tiền của Đài Loan và một số đống tiền khác có giao dịch không đáng kể.
Tỷ giá trung tâm VND so với USD sẽ được công bố hàng ngày, làm cơ sở để xác định tỷ giá mua vào và bán ra cho các Ngân hàng Thương mại. Từ đó, Ngân hàng Thương mại cũng dựa vào đó để đưa ra tỷ giá mua vào và bán ra khi giao dịch với các tổ chức hay doanh nghiệp cá nhân.
Tác động của tỷ giá trung tâm tới nền kinh tế
Tăng khoản tiền gửi cho ngân hàng
Tỷ giá trung tâm giúp Nhà nước kiểm soát sự biến động của tỷ giá trong mức an toàn. Điều này hạn chế việc đầu tư lướt sóng USD để kiếm lợi nhuận. Khi đó, hoạt động gửi tiết kiệm vẫn thu hút được nhà đầu tư bởi giá trị của VND vẫn được duy trì ổn định.
Theo Báo Chính phủ, lãnh đạo NHNN cho rằng: Vì tỉ giá biến động hằng ngày với mức độ nhỏ, việc lướt sóng USD không đơn giản, trong khi gửi tiết kiệm bằng VND có tính ổn định hơn. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn theo hướng nâng cao vị thế của VND, chống đô la hóa.
“Người dân, nếu có tiền tiết kiệm, có thể yên tâm với vị thế VND được nâng lên khá cao. Thực tế, VND đang có vị thế khá tốt, người dân có tiền nếu gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất ở mức 4-5%, vẫn ổn định ở mức khá, ổn định hơn so với ngoại tệ", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Thực hiện công cụ phái sinh
Tỷ giá trung tâm không chỉ giúp ổn định tỷ giá mà còn hỗ trợ việc sử dụng các công cụ phái sinh, như mua bán kỳ hạn, giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tài chính. Giao dịch phái sinh giúp thị trường ngoại hối trở nên linh hoạt hơn và gia tăng hoạt động giao dịch.
Khi thị trường linh hoạt, hiện tượng “cầu ảo” ngoại tệ (tức là nhu cầu không thực sự cần thiết) sẽ giảm. Điều này ngăn chặn việc các doanh nghiệp đầu cơ, gây ra tình trạng sốt ngoại tệ. Thay vào đó, các doanh nghiệp có thể mua ngoại tệ trực tiếp hoặc thông qua hợp đồng kỳ hạn với chi phí thấp hơn, giúp họ tiết kiệm chi phí vốn và quản lý tài chính hiệu quả hơn.
Tăng hoạt động đầu tư
Tỷ giá trung tâm có tác động quan trọng đến hoạt động đầu tư, cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước.
Đầu tiên, tỷ giá ổn định giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng xác định chi phí và lợi nhuận, từ đó tăng cường sự hấp dẫn của FDI. Đồng thời, doanh nghiệp trong nước cũng có thể lập kế hoạch tài chính chính xác hơn khi tỷ giá không biến động mạnh.
Thứ hai, khi tỷ giá ổn định, giá trị tài sản của nhà đầu tư không bị ảnh hưởng tiêu cực, giúp họ tự tin hơn trong quyết định đầu tư. Tỷ giá ổn định cũng hỗ trợ khả năng huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0% cùng với việc thả nổi tỷ giá (tỷ giá được xác định bởi cung cầu thị trường) đã giúp các Ngân hàng Thương mại (NHTM) giảm áp lực trong quản lý tài chính. Cụ thể, khi lãi suất bằng 0%, người gửi tiền sẽ không nhận lãi, điều này cho phép ngân hàng tiết kiệm chi phí trả lãi và có cơ hội mua vào lượng USD lớn hơn.
Tác động của tỷ giá trung tâm đến nền kinh tế
Câu hỏi thường gặp
Tỷ giá trung tâm do ai phát hành?
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước phát hành và công bố.
Tỷ giá trung tâm để làm gì?
Tỷ giá trung tâm giúp Nhà nước kiểm soát biến động tỷ giá trong phạm vi an toàn, hạn chế giao dịch lướt sóng của nhà đầu tư. Ngoài ra, tỷ giá trung tâm cũng là cơ sở để xác định tỷ giá mua và bán khi giao dịch với Ngân hàng Thương mại, từ đó có thể xác định tỷ giá giao dịch với tổ chức và cá nhân.
Tỷ giá trung tâm được tính như thế nào?
Tỷ giá trung tâm được xác định dựa trên tỷ giá bình quân gia quyền, diễn biến của tỷ giá quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô, và sự phù hợp với chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Biên độ tỷ giá trung tâm là gì?
Biên độ tỷ giá trung tâm là khoảng cách cho phép mà tỷ giá thực tế có thể dao động xung quanh tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Trên là kiến thức cơ bản về tỷ giá trung tâm là gì và cách xác định của tỷ giá trung tâm VND so với USD, từ đó hiểu rõ về những tác động đến nền kinh tế. Theo dõi chuyên mục Kiến thức tài chính tại Tikop để xem thêm các kiến thức hữu ích nhé!