Tỷ giá hối đoái là gì?
1.1. Khái niệm tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái hay tỷ giá trao đổi ngoại tệ là tỷ giá của đồng tiền này quy đổi sang đồng tiền khác.
Lấy ví dụ, vào ngày 29/6/2023, 1 USD = 23,571.50 VND. Vì vậy, tỷ giá hối đoái của USD / VND = 23,571.59.
1.2. Tỷ giá hối trong tiếng Anh là gì?
Tỷ giá hối đoái trong tiếng Anh là Exchange Rate. Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình kinh tế của một quốc gia. Từ đó, chính phủ hoặc các nhà đầu tư có thể đưa ra các chính sách hoặc quyết định đầu tư hợp lý nhằm thu được lợi nhuận cao nhất.
Tỷ giá hối đoái là gì?
1.3. Vai trò của tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của một quốc gia trên nhiều phương diện như sau:
Đánh giá sức mua của một quốc gia: Khi giá trị của một đồng tiền giảm đồng nghĩa với quốc gia đó phải chi ra nhiều tiền hơn để mua cùng một mặt hàng so với trước đây. Tỷ giá hối đoái sẽ giúp nhà nước có thể đánh giá được tình hình thị trường trong nước và quốc tế để đưa ra các chính sách hợp lý nhằm thúc đẩy sức mua.
Tăng sức cạnh tranh hàng hóa: Trong trường hợp giá trị đồng tiền của một quốc gia tăng, việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho quốc gia đó.
Đánh giá mức độ lạm phát: Khi tỷ giá hối đoái tăng hoặc giảm sẽ giúp nhà nước đánh giá được mức độ lạm phát của một quốc gia.
Tỷ giá hối đoái trong vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế
Phân loại tỷ giá hối đoái hiện nay
Hiện nay, có nhiều cách để phân loại tỷ giá hối đoái trên thị trường. Với mỗi cách sẽ có những loại tỷ giá khác nhau.
2.1. Dựa vào nghiệp vụ ngân hàng
- Tỷ giá mua (Buying rate): Tỷ giá ngân hàng mua ngoại hối vào.
- Tỷ giá bán (Selling rate): Tỷ giá ngân hàng bán ngoại hối ra.
Tỷ giá mua bao giờ cũng nhỏ hơn tỷ giá bán. Mức chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán là lợi nhuận mà ngân hàng thu được từ các giao dịch ngoại hối.
Ví dụ:
Giả sử tỷ giá USD / VND = 23.000
Khi anh A muốn đổi 1 USD sang VND, ngân hàng sẽ trả anh A là 23.000 VND
Khi anh A muốn đổi từ VND sang USD, anh A sẽ phải đưa 24.000 VND để đổi lấy 1 USD
Mức chênh lệch 1000 VND sẽ là lợi nhuận mà ngân hàng thu được.
2.2. Dựa vào cơ chế quản lý ngoại hối
- Tỷ giá cố định (Fixed rate): Tỷ số do ngân hàng công bố và không thay đổi trong một khoảng thời gian.
- Tỷ giá thả nổi (Floating rate): Dựa trên quan hệ cung - cầu trên thị trường ngoại hối.
- Tỷ giá thả nổi có điều tiết: Tỷ giá này có sự kết hợp giữa tỷ giá cố định và tỷ giá thả nổi. Nghĩa là tỷ giá vừa phụ thuộc vào quy luật cung - cầu nhưng vẫn có sự điều chỉnh, quản lý từ nhà nước. Điều này sẽ hạn chế được các rủi ro hoặc biến động từ thị trường.
2.3. Dựa vào thanh toán quốc tế
- Tỷ giá tiền mặt: Áp dụng cho ngoại tệ tiền mặt và thẻ tín dụng.
- Tỷ giá chuyển khoản: Áp dụng cho các giao dịch ngoại hối được thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng.
2.4. Dựa vào thời điểm mua bán ngoại hối
- Tỷ giá mở cửa: Tỷ giá đầu tiên của một ngày giao dịch.
- Tỷ giá đóng cửa: Tỷ giá vào cuối giờ giao dịch hay tỷ giá mua bán ngoại hối của phiên giao dịch cuối cùng trong một ngày làm việc.
2.5. Dựa vào thời điểm chuyển vốn
- Tỷ giá giao ngay: Áp dụng trong giao dịch mà việc chuyển vốn, thanh toán xảy ra đồng thời với thời điểm ký hợp đồng.
- Tỷ giá kỳ hạn: Việc chuyển vốn được tiến hành sau một thời gian nhất định, theo tỷ giá được xác định trước vào thời điểm ký kết hợp đồng.
2.6. Dựa vào hình thức thanh toán
- Tỷ giá điện hối (Telegraphic Transfer rate): Tỷ giá mua bán ngoại hối mà ngân hàng có trách nhiệm chuyển ngoại hối bằng điện.
- Tỷ giá thư hối (Mail Transfer rate): Tỷ giá mua bán ngoại hối mà ngân hàng có trách nhiệm chuyển ngoại hối bằng thư. Tỷ giá thư hối nhỏ hơn tỷ giá điện hối do chi phí chuyển bằng thư rẻ hơn chuyển bằng điện.
- Tỷ giá check (Check rate): Tỷ giá được xác định trên cơ sở bằng tỷ giá điện hối trừ đi số tiền lãi phát sinh theo số ngày cần thiết của bưu điện để chuyển check từ nước này sang nước khác.
- Tỷ giá hối phiếu: Tỷ giá được xác định bằng tỷ giá điện hối trừ đi số tiền lãi phát sinh tính từ lúc ngân hàng mua hối phiếu cho đến lúc hối phiếu đó được trả tiền.
2.7. Dựa vào mối quan hệ tỷ giá với chỉ số lạm phát
- Tỷ giá danh nghĩa: Giá của một đồng tiền được biểu thị thông qua đồng tiền khác mà chưa đề cập đến tương quan sức mua hàng hóa và dịch vụ giữa chúng.
- Tỷ giá thực: Tỷ giá được xác định trên cơ sở tỷ giá danh nghĩa đã được đã được điều chỉnh bởi tỷ lệ lạm phát giữa trong nước với nước ngoài, do đó nó là chỉ số tương quan sức mua giữa nội tệ và ngoại tệ
Các loại tỷ giá hối đoái
Công thức và cách tính tỷ giá hối đoái
Cách tính tỷ giá hối đoái sẽ dựa trên 2 loại đồng tiền là đồng tiền định giá và đồng tiền yết giá.
Trong đó:
Đồng tiền định giá: Loại tiền bạn đang mua
Đồng tiền yết giá: Loại tiền bạn đang bán
Công thức tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền định giá:
Yết giá / định giá = (Yết giá / USD) / (Định giá / USD)
Công thức tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá:
Yết giá / định giá = (USD / định giá) / (USD / yết giá)
Công thức tính tỷ giá giữa đồng tiền định giá và yết giá:
Yết giá / định giá = (Yết giá / USD) x (USD / định giá)
Công thức tính tỷ giá hối đoái
Cách thể hiện tỷ giá hối đoái
4.1. Phương pháp yết giá ngoại tệ trực tiếp
Phương pháp yết giá ngoại tệ trực tiếp được áp dụng tại quốc gia có giá trị đồng tiền thấp. Các quốc gia có giá trị đồng tiền lớn như Anh, Mỹ,... sẽ là đồng yết giá, các quốc gia có đồng tiền giá trị thấp sẽ là đồng định giá. Ví dụ, tại Việt Nam, các ngân hàng sẽ yết giá 1 USD = 23,571.50 VND hoặc 1 GBP = 29,829.38 VND.
4.2. Phương pháp yết giá ngoại tệ gián tiếp
Phương pháp yết giá ngoại tệ gián tiếp được áp dụng tại các quốc gia hoặc khu vực có giá trị đồng tiền cao như Mỹ, Anh, châu Âu,... Khi đó đồng nội tệ là đồng yết giá và có đơn vị cố định là một đơn vị, đồng ngoại tệ là đồng định giá và sẽ thay đổi tùy theo thị trường. Ví dụ, tại Mỹ, các ngân hàng sẽ yết giá 1 USD = 0.91 EUR hoặc 1 USD = 0.79 GBP.
Các phương pháp yết tỷ giá
Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái
5.1. Lạm phát
Khi lạm phát xảy ra dẫn đến giá trị đồng tiền của một quốc gia giảm. Điều này khiến tỷ giá hối đoái thay đổi bởi bản chất tỷ giá hối đoái dựa trên giá trị đồng tiền của một cặp ngoại tệ.
5.2. Thương mại
Yếu tố thương mại ảnh hưởng vô cùng lớn đến tỷ giá hối đoái. Khi lượng cung nhiều hơn cầu, tỷ giá hối đoái giảm. Ngược lại, khi cầu nhiều hơn cung sẽ khiến cho giá đồng ngoại tệ tăng và tỷ giá hối đoái cũng tăng theo.
5.3. Thu nhập quốc gia
Thu nhập của một quốc gia tăng một phần thể hiện sự phát triển của nền kinh tế. Điều này kích thích nhu cầu mua sắm và chi tiêu của người dân. Vì vậy, tỷ lệ lạm phát giảm và giá trị đồng tiền cũng sẽ tăng.
5.4. Lãi suất
Khi lãi suất của một quốc gia tăng sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư hơn. Do đó, nguồn ngoại tệ tăng theo và tỷ giá hối đoái cũng sẽ thay đổi.
5.5. Các yếu tố khác
Ngoài ra, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái như cán cân thanh toán quốc tế, nợ công, thâm hụt tài khoản vãng lai, tình hình chính trị,...
Tỷ giá hối đoái bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau
Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến kinh tế quốc tế
6.1. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Tỷ giá hối đoái giữa ngoại tệ và nội tệ tăng đồng nghĩa với giá trị của nội tệ giảm. Vì vậy, giá cả của hàng hóa trong nước trên thị trường quốc tế rẻ hơn và điều này sẽ kích thích các hoạt động xuất khẩu. Ngược lại, nếu tỷ giá hối đoái giảm thì sẽ kích thích các hoạt động nhập khẩu.
6.2. Đầu tư nước ngoài
Tỷ giá hối đoái tăng dẫn đến giá trị nội tệ giảm. Điều này sẽ thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài bởi lợi nhuận từ việc mất giá của nội tệ. Ngược lại, khi tỷ giá giảm thì giá trị nội tệ tăng. Điều này sẽ kích thích đầu tư ra nước ngoài nhưng lại hạn chế đầu tư vào trong nước.
6.3. Nợ nước ngoài và dịch vụ thu ngoại tệ
Khi giá trị của nội tệ tăng sẽ làm giảm số nợ đối với các khoản vay từ nước ngoài. Ngược lại, nếu giá trị nội tệ giảm thì số nợ đối với các khoản vay từ nước ngoài sẽ tăng.
Bên cạnh đó, đối với một khách du lịch nước ngoài khi thanh toán bằng ngoại tệ thì quyền lợi mà họ được hưởng sẽ tăng nếu giá trị nội tệ giảm. Ngược lại, quyền lợi và dịch vụ sẽ ít đi nếu giá trị của nội tệ tăng.
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến các hoạt động thị trường
Các chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái Việt Nam
Để đảm bảo ổn định tỷ giá và kiểm soát được lạm phát, chính phủ sẽ phải thường xuyên đưa ra các chính sách tỷ giá. Các chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái phổ biến của Việt Nam như sau:
7.1. Chính sách chiết khấu
Chính sách chiết khấu là chính sách do ngân hàng nhà nước đưa ra nhằm điều chỉnh lượng cung ứng tiền trên thị trường. Bằng việc cho các ngân hàng thương mại vay, các ngân hàng trung ương sẽ có quyền tác động đến lãi suất cho vay và khiến cho mức lãi suất của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo.
Cụ thể, trong trường hợp ngân hàng trung ương tăng lãi suất, các ngân hàng thương mại sẽ hạn chế hơn trong việc vay thêm. Vì vậy, lượng tiền mà các ngân hàng thương mại có thể cung ứng ra thị trường cũng sẽ giảm theo.
Ngược lại, khi ngân hàng trung ương giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại có thể vay nhiều hơn. Điều này khiến cho lượng cung ứng tiền ra thị trường tăng theo.
Chính sách chiết khấu chỉ áp dụng trong ngắn hạn với những nền kinh tế ổn định và không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. Hơn thế nữa, việc thay đổi lãi suất của ngân hàng trung ương không đồng nghĩa các ngân hàng thương mại phải thực hiện khoản vay đó.
Chính sách chiết khấu
7.2. Chính sách hối đoái
Chính sách hối đoái là chính sách mà các cơ quan ngoại hối nhà nước trực tiếp mua bán ngoại hối nhằm điều chỉnh lượng cung ứng trên thị trường.
Khi tỷ giá hối đoái tăng cao, ngân hàng trung ương có thể mua một lượng lớn giấy tờ có giá bằng ngoại hối, qua đó làm tăng cung ngoại tệ và khiến tỷ giá trở nên ổn định. Ngược lại, khi tỷ giá hối đoái giảm sâu, ngân hàng trung ương có thể bán các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, qua đó làm giảm cung ngoại hối và khiến tỷ giá tăng trở lại.
Việc áp dụng chính sách hối đoái cần được cân nhắc kỹ bởi chính sách này cũng có thể ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối hoặc gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường như giảm giá trị nội tệ hay tăng giá của hàng hóa nhập khẩu,...
Chính sách hối đoái
7.3. Chính sách phá giá tiền tệ
Chính sách phá giá tiền tệ là việc giảm giá trị của tiền trong nước so với giá trị ngoại tệ. Ví dụ, trước đây 1 USD có thể đổi được 22.000 VND nhưng sau khi thực hiện chính sách phá giá, 1 USD có thể đổi được 23.000 VND. Như vậy, giá trị của VND đã bị giảm so với trước đây. Chính sách phá giá tiền tệ có thể được thực hiện bằng cách mua vào các đồng ngoại tệ hoặc tăng cung nội tệ.
Lợi ích của chính sách phá giá tiền tệ là kích thích hoạt động xuất khẩu bởi khi đó giá cả hàng hóa sẽ rẻ hơn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, điều này sẽ làm hạn chế khả năng nhập khẩu và các hoạt động đối ngoại khác. Tuy nhiên, cán cân thanh toán hàng hóa quốc tế sẽ được cải thiện và làm cho tỷ giá hối đoái trở nên ổn định.
Đây chỉ là chính sách ngắn hạn và không mang tính bền vững bởi nếu tình trạng kéo dài sẽ gây ra mất cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu hay giảm sức mua trên thị trường.
Chính sách phá giá tiền tệ
7.4. Chính sách nâng giá tiền tệ
Chính sách nâng giá tiền tệ là việc tăng giá trị của tiền trong nước so với các đồng tiền khác trên thị trường quốc tế. Chính sách này ngược lại so với chính sách phá giá tiền tệ. Để thực hiện chính sách này, cơ quan nhà nước có thể bán đồng tiền của quốc gia đó trên thị trường ngoại hối hoặc giảm cung của nội tệ.
Chính sách nâng giá tiền tệ kích thích sức mua của người tiêu dùng bởi giá cả của hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, chính sách cũng có thể gây ra sự mất cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu hoặc tăng giá trị của đồng tiền quá mức.
Chính sách nâng giá tiền tệ
Câu hỏi thường gặp
8.1. Ví dụ về chênh lệch tỷ giá hối đoái
Chênh lệch tỷ giá hối đoái là sự chênh lệch khi quy đổi giá trị giữa hai đồng tiền trên thực tế so với khi quy đổi trên các sàn giao dịch ngoại hối.
Ví dụ: Trên thực tế, tỷ giá hối đoái USD / VND = 23.700. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái USD / VND trên các sàn giao dịch ngoại dịch ngoại hối là 24.000. Như vậy, 300 chính là mức chênh lệch tỷ giá hối đoái.
8.2. Các loại tỷ giá hối đoái
Trên thực tế, có rất nhiều loại tỷ giá hối đoái khác nhau được phân loại dựa trên mỗi đặc điểm như hình thức thanh toán, thời điểm thanh toán, kỳ hạn thanh toán,...Quý khách cần tìm hiểu kỹ về các loại tỷ giá hối đoái để tránh những sự nhầm lẫn không đáng có khi tham gia giao dịch trên thị trường ngoại hối.
Trên đây là một số kiến thức cơ bản về tỷ giá hối đoái là gì và cách tính tỷ giá hối đoái. Hy vọng bạn đã có nhiều góc nhìn hơn về khái niệm này và tác động của tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế thế giới. Theo dõi Tikop để cập nhật các kiến thức tài chính mới nhất nhé!