Quỹ thành viên là gì?
Khái niệm quỹ thành viên
Theo khoản 41 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019:
Quỹ thành viên là quỹ đầu tư chứng khoán có số thành viên tham gia góp vốn từ 02 đến 99 thành viên và chỉ bao gồm thành viên là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Quỹ thành viên là hình thức quỹ được phát hành riêng lẻ cho một nhóm các nhà đầu tư được lựa chọn trước. Các nhà đầu tư đó là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…
>> Xem thêm: Chứng chỉ quỹ là gì? Top 5 chứng chỉ quỹ tốt nhất hiện nay
Quỹ thành viên là hình thức quỹ được phát hành riêng lẻ
Ví dụ về quỹ thành viên
Quỹ thành viên được thành lập với quy mô tương đối lớn. Thông thường dao động từ 50 tỷ đến hơn 1,3 tỷ đồng. Ví dụ như Quỹ Đầu tư khám phá giá trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Value Discovery Investment Fund – VVDIF).
Quỹ thành viên tiếng Anh là gì?
Quỹ thành viên được gọi là Private Fund.
Đặc điểm của quỹ thành viên
Điều kiện thành lập quỹ thành viên
Theo quy định tại Luật chứng khoán 2019 Điều kiện thành lập quỹ thành viên:
- Vốn góp tối thiểu là 50 tỷ đồng;
- Có từ 02 đến 99 thành viên góp vốn và chỉ bao gồm thành viên là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Do 01 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý;
- Việc lưu ký tài sản quỹ phải được thực hiện tại một ngân hàng hoàn toàn độc lập với công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
- Một công ty quản lý quỹ phải có ít nhất hai người điều hành quỹ, họ cần có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ. Đồng thời, công ty không được bị cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoặc chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp xử phạt, khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Hồ sơ thành lập quỹ thành viên
Căn cứ theo Điều 223 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thành lập quỹ thành viên gồm:
- Giấy đăng ký lập quỹ thành viên theo mẫu quy định;
- Điều lệ quỹ theo mẫu có sẵn do Bộ Tài chính quy định;
- Hợp đồng lưu ký tài sản với ngân hàng lưu ký;
- Hợp đồng góp vốn của các thành viên góp vốn có nêu rõ: Tên quỹ, công ty quản lý quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký, số vốn điều lệ dự kiến góp,…
- Danh sách những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia góp vốn;
- Bản báo cáo thẩm định của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty chứng khoán được ủy quyền về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Giấy xác nhận của ngân hàng lưu ký về quy mô vốn góp của quỹ thành viên;
- Danh sách, bản những thông tin cá nhân của người điều hành quỹ.
Danh mục đầu tư của quỹ thành viên
Các danh mục đầu tư của quỹ thành viên:
- Tiền gửi các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật ngân hàng;
- Những giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng theo quy định của pháp luật;
- Công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
- Cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, chứng chỉ quỹ đại chúng;
- Trái phiếu chưa niêm yết của các tổ chức phát hành hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam, cổ phiếu của công ty cổ phần và phần vốn góp tại công ty TNHH;
- Quyền phát sinh gắn liền với chứng khoán mà quỹ hiện tại đang nắm giữ;
- Các chứng khoán và tài sản khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
>> Xem thêm Quỹ đại chúng là gì? So sánh quỹ đại chúng và quỹ thành viên chi tiết
Đặc điểm của quỹ thành viên quy định cụ thể trong luật
Quy định hoạt động của quỹ thành viên
Phạm vi
Qũy đầu tư không được đầu tư vào chính quỹ của mình.
Nguyên tắc sử dụng vốn
Vốn của Quỹ thành viên không được thực hiện các hoạt động cho vay, bảo lãnh khoản vay, bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Quy định kêu gọi góp vốn
Công ty quản lý quỹ không được phép sử dụng các phương tiện truyền thông để kêu gọi góp vốn.
Đối tượng tham gia
Quỹ thành viên chỉ có thể đầu tư vào quỹ hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng. Và các đối tượng này phải đáp ứng đủ điều kiện như sau: không vượt quá 10% số chứng chỉ quỹ/cổ phiếu đang lưu hành, không vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ. Và không vượt quá 30% tổng giá trị tài sản vào các chứng chỉ quỹ/cổ phiếu công ty đại chúng.
Vay thế chấp, thấu chi
Quỹ thành viên được vay thế chấp, thấu chi cần phải đảm bảo các điều kiện như sau:
- Vay thế chấp, thấu chi phù hợp với quy định của pháp luật;
- Đại hội nhà đầu tư quyết định hạn mức vay, và bảo đảm tổng nợ và các khoản phải trả của quỹ không vượt quá 30% tổng tài sản của quỹ tại mọi thời điểm;
- Bộ phận tín dụng của ngân hàng lưu ký phải tách biệt hoàn toàn về cơ cấu tổ chức và hoạt động đối với bộ phận lưu ký tài sản của quỹ; hoạt động tín dụng là độc lập với hoạt động lưu ký và không thuộc phạm vi điều chỉnh của hợp đồng lưu ký;
- Công ty quản lý quỹ phải cung cấp thông tin về quyền lợi của ngân hàng lưu ký và khả năng xung đột lợi ích cho Đại hội nhà đầu tư xem xét, quyết định.
Đầu tư nước ngoài
Quỹ thành viên được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài với điều kiện đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc được đề ra trong luật chứng khoán.
Nguyên tắc phân chia lợi nhuận của quỹ thành viên
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 98/2020/TT-BTC, nguyên tắc phân chia lợi nhuận của quỹ thành viên được quy định như:
Hình thức: Lợi nhuận của quỹ sẽ có thể được phân bổ bằng chứng chỉ quỹ hoặc bằng tiền
Thời gian và thông báo phân bổ lợi nhuận: Công ty quản lý quỹ cần thông báo cho nhà đầu tư tối thiểu 15 ngày trước khi tiến hành phân bổ lợi nhuận. Cụ thể các nội dung mà công ty quản lý quỹ cần thông báo.
Các nguyên tắc liên quan đến chi trả lợi tức quỹ
- Lợi tức được dùng để chi trả cho nhà đầu tư có thể lấy từ lợi nhuận trong kỳ hoặc lợi nhuận lũy kế đảm bảo quỹ thành viên đã hoàn tất các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính)
- Mức lợi tức được chi trả cho nhà đầu tư phải tuân thủ theo chính sách và quy định của quỹ do đại hội nhà đầu tư đã thống nhất và phê duyệt
- Sau khi hoàn tất việc phân bổ lợi nhuận cho nhà đầu tư, quỹ cần phải đảm bảo nguồn vốn đủ để thanh toán nợ và các nghĩa vụ đến hạn khác. Ngoài ra, giá trị tài sản ròng của quỹ cần phải đảm bảo từ 50 tỷ đồng trở lên
- Nếu quỹ thực hiện phân bổ lợi nhuận bằng chứng chỉ quỹ thì cần phải đảm bảo nguồn vốn đối ứng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dựa trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất đã được kiểm toán.
Nguyên tắc phân chia lợi nhuận của quỹ thành viên
Quy định về chi phí của quỹ thành viên
Chi phí của quỹ thành viên theo Điều 8 Thông tư 98/2020/TT-BTC như sau:
- Chi phí quản lý quỹ trả cho công ty quản lý quỹ.
- Chi phí lưu ký tài sản quỹ, chi phí giám sát (nếu có) trả cho ngân hàng lưu ký hoặc ngân hàng giám sát.
- Chi phí kiểm toán trả cho tổ chức kiểm toán.
- Chi phí thẩm định giá trả cho các doanh nghiệp thẩm định giá (nếu có); chi phí dịch vụ tư vấn pháp lý, dịch vụ báo giá và các dịch vụ hợp lý khác, thù lao trả cho Ban đại diện quỹ.
- Chi phí dự thảo, in ấn, gửi Bản cáo bạch, Bản cáo bạch tóm tắt, báo cáo tài chính và các tài liệu khác cho thành viên góp vốn; chi phí công bố thông tin của quỹ; chi phí tổ chức họp Đại hội nhà đầu tư, Ban đại diện quỹ.
- Chi phí liên quan đến thực hiện các giao dịch tài sản của quỹ và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
- Chi phí liên quan đến việc chuyển đổi ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát (nếu có) hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ khác.
Quy định về chi phí của quỹ thành viên
Kinh nghiệm khi đầu tư vào quỹ thành viên
Lựa chọn quỹ đầu tư phù hợp với bản thân
Xác định rõ mục tiêu đầu tư cá nhân của bạn, bao gồm khả năng chịu rủi ro, tỷ lệ sinh lời mục tiêu và khung thời gian đầu tư. So sánh mục tiêu của bạn với chiến lược đầu tư của quỹ để đảm bảo sự phù hợp từ đó lựa chọn quỹ đầu tư tương thích.
Lựa chọn quỹ đầu tư uy tín
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều quỹ đầu tư. Và mỗi quỹ sẽ có những mức độ rủi ro khác nhau. Lựa chọn quỹ đầu tư uy tín là một bước quan trọng để đảm bảo rằng bạn đầu tư vào một quỹ có độ tin cậy và hiệu suất tốt.
Cân nhắc về tính thanh khoản
Quỹ đầu tư thành viên có lưu lượng vốn tương đối lớn, nhà đầu tư có thể có quyền kiểm soát quỹ. Do đó quỹ thành viên có tính thanh khoản thấp hơn.
Kinh nghiệm khi đầu tư vào quỹ thành viên
Một số quỹ thành viên phổ biến tại Việt Nam
Một số quỹ thành viên phổ biến tại Việt Nam hiện nay như:
- Quỹ đầu tư Việt Nam (Viet Nam Investment Fund – VIF): Được cấp phép thành lập vào năm 2006 với mức vốn điều lệ là 1349 tỷ đồng. Công ty Liên doanh quản lý quỹ đầu tư BIDV – VietNam Partner là công ty quản lý của VIF. Ngân hàng giám sát của quỹ VIF là ngân hàng HSBC chi nhánh Thành Phố Hồ Chí Minh.
- Quỹ đầu tư thành viên SSI (SSI Investment Member Fund – SSIIMF): Được cấp giấy phép thành lập vào năm 2010 với mức vốn điều lệ là 360 tỷ đồng. Công ty quản lý quỹ SSIIMF là công ty cổ phần quản lý quỹ SSI. Ngân hàng giám sát quỹ là Ngân hàng HSBC.
- Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF): Quỹ JAMBF được cấp phép thành lập vào năm 2010 với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Quỹ là sự hợp tác giữa MB Group và Japan Asia Group.
Câu hỏi thường gặp
Quỹ thành viên có bao nhiêu thành viên?
Theo khoản 41 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì quỹ thành viên là quỹ đầu tư chứng khoán có số thành viên tham gia góp vốn từ 02 đến 99 thành viên và chỉ bao gồm thành viên là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Quỹ thành viên khác gì quỹ đại chúng?
Quỹ thành viên được quản lý bởi một tổ chức hay công ty tài chính lớn hơn, trong khi quỹ đại chúng có thể được quản lý bởi công ty quản lý tài sản độc lập. Quỹ thành viên thường có mục tiêu đầu tư cụ thể hoặc theo một lĩnh vực nhất định (ví dụ: quỹ bất động sản, quỹ công nghệ), trong khi quỹ đại chúng thường có danh mục đa dạng và mục tiêu đầu tư phổ quát.
Có nên đầu tư quỹ thành viên không?
Việc đầu tư vào quỹ thành viên hay không phụ thuộc vào mục tiêu và tình hìnhtài chính cá nhân, cũng như sự hiểu biết và kiến thức về quỹ đó. Trước khi đầu tư vào quỹ thành viên, quan trọng nhất là nghiên cứu kỹ về quỹ cụ thể đó, bao gồm mục tiêu đầu tư, hiệu suất lịch sử, chiến lược quản lý, và các yếu tố rủi ro liên quan. Cũng hãy xem xét tư cách đầu tư cá nhân của bạn, mục tiêu tài chính và khả năng chịu rủi ro trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trên đây là thông tin về quỹ thành viên cũng như quy định của loại quỹ này tại Việt Nam. Cùng đón đọc những bài viết mới tại chuyên mục chứng chỉ quỹ của Tikop qua những lần sau nhé!