Bảo hiểm là gì?
Khái niệm về bảo hiểm
Bảo hiểm là dịch vụ giúp cho đối tượng thụ hưởng được hưởng các khoản trợ cấp, san sẻ rủi ro và khó khăn khi có vấn đề xảy ra. Theo các chế độ và chính sách cụ thể của từng loại bảo hiểm, tổ chức chịu trách nhiệm sẽ thực hiện đền bù thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm.
Khái niệm bảo hiểm
Bảo hiểm tiếng Anh là gì?
Bảo hiểm tiếng Anh là Insurance.
Lịch sử hình thành của bảo hiểm
Khoảng năm 4000 TCN, bảo hiểm xuất hiện với hình thái đầu tiên là quỹ hỗ trợ (quỹ tương trợ). Quỹ hỗ trợ (quỹ tương trợ) được những người cùng hoạt động trong một lĩnh vực, tổ chức và có mối quan hệ với nhau lập ra để hỗ trợ cho các thành viên đang gặp khó khăn. Lúc này, bảo hiểm chưa phục vụ cho mục đích thương mại.
Vào thế kỉ XVI đến XVIII, các phương thức, kỹ thuật và chính sách bảo hiểm được phát triển vượt bậc do sự ra đời và phát triển của Chủ nghĩa Tư bản. Trong giai đoạn này xuất hiện nhiều hình thức bảo hiểm với mục đích thương mại như bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm hoả hoạn và bảo hiểm thân thể. Về cơ bản chúng được nhóm thành 3 nhóm chính là bảo hiểm con người, bảo hiểm trách nhiệm và bảo hiểm tài sản.
Các nước Xã hội Chủ nghĩa còn cho ra đời một loại hình bảo hiểm mà Nhà nước độc quyền kinh doanh trong thời kì phát triển kinh tế kế hoạch tập trung, gọi là bảo hiểm Nhà nước. Tuy nhiên, ở giai đoạn chuyển hoá sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước đã cấp phép kinh doanh và thương mại hoá bảo hiểm cho các đơn vị tư nhân.
Lịch sử hình thành và phát triển lâu dài của bảo hiểm
Bản chất của bảo hiểm
Bảo hiểm là một loại quỹ được các cá nhân tham gia vào dịch vụ bảo hiểm đóng góp vào, tạo nên khoản tiền bồi thường khi có rủi ro xảy ra. Khi có rủi ro, không phải ai tham gia vào quỹ cũng được nhận mà chỉ có người gặp tổn thất mới được nhận phần bồi thường tương ứng với kế hoạch của hợp đồng, do đó bản chất của bảo hiểm là sự phân chia tổn thất với số đông mà rủi ro gây nên.
Suy rộng ra, với hình thức lấy số đông bù cho số ít người chịu thiệt hại, tổ chức bảo hiểm có thể làm giảm thiểu nguồn chi cho ngân sách Nhà nước, giúp duy trì các hoạt động sinh hoạt và sản xuất trong xã hội, cũng như tạo vốn đầu tư cho nền kinh tế. Do đó, có thể thấy bảo hiểm là dịch vụ phân phối lại các điều kiện phát triển cần thiết cho xã hội dưới hình thái giá trị.
Bản chất của bảo hiểm là khôi phục trạng thái kinh tế cho người được bảo hiểm sau rủi ro
Các loại hình bảo hiểm phổ biến hiện nay
Dựa vào tính chất của loại hình kinh doanh
Dựa vào tính chất của loại hình kinh doanh, có 3 loại bảo hiểm như sau:
Bảo hiểm y tế: Loại bảo hiểm này giúp người cần sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuộc dạng được hỗ trợ chi trả bảo hiểm y tế có thể được thăm khám, chữa bệnh, tiêm phòng với mức chi phí thấp nhất có thể.
Bảo hiểm xã hội: Có 2 loại bảo hiểm xã hội là tình nguyện và bắt buộc tham gia, giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động khi có rủi ro về sức khỏe, lao động và thu nhập. Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm ốm đau, bảo hiểm thai sản, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tử tuất và trợ cấp hàng tháng là các chế độ bảo hiểm xã hội hiện có.
Bảo hiểm thương mại: Còn được gọi là bảo hiểm rủi ro, do đây là hình thức kết hợp giữa hoạt động thương mại với quản trị rủi ro. Bảo hiểm thương mại có nhiều loại, nhưng nhìn chung đều là đảm bảo an toàn về tài chính khi có rủi ro xảy ra.
Bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội được Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội và Bộ Y Tế trực thuộc Nhà nước quản lý, được Nhà nước cấp quyền và chịu trách nhiệm, còn bảo hiểm thương mại thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước.
Có 3 loại bảo hiểm phân loại theo loại hình kinh doanh
Dựa vào mục đích sử dụng
Dựa vào mục đích sử dụng mà các bảo hiểm thương mại được phân thành các loại khác nhau, bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm tàu thuyền, bảo hiểm cho hàng hoá,... Trong đó, bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm dài hạn, được gọi là nhân thọ do gắn liền với tuổi thọ của con người các loại khác là bảo hiểm ngắn hạn và phi nhân thọ do các yếu tố biến đổi độc lập với tuổi thọ của con người.
Dựa vào đối tượng
Dựa vào đối tượng bảo hiểm, có 3 loại bảo hiểm:
Bảo hiểm tài sản: Là bảo hiểm có đối tượng được bảo hiểm là tài sản, thường là tài sản có giá trị cao như xe cộ, nhà cửa, hàng hoá, đồ nội thất,... Tương ứng với các loại tài sản này mà bảo hiểm tài sản có các loại phổ biến như bảo hiểm ô tô, bảo hiểm xe máy, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu,...
Bảo hiểm con người: Là bảo hiểm có đối tượng được bảo hiểm là con người, gồm các loại bảo hiểm như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm phẫu thuật, bảo hiểm nhân thọ,... có liên quan đến tính mạng, tuổi thọ cũng như tình trạng sức khoẻ của con người. Số nhà bảo hiểm của bảo hiểm con người có thể nhiều hơn 01, tức là một người có thể mua cùng lúc nhiều loại bảo hiểm con người kể trên.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: Là bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm từ đối tượng bảo hiểm bồi thường/đền bù cho người chịu thiệt hại, bao gồm bảo hiểm trách nhiệm của người sử dụng lao động, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm,... Với loại hình này, người được bảo hiểm là người tham gia bảo hiểm, còn người thụ hưởng quyền lợi mà bảo hiểm cung cấp là một bên thứ ba. Tuy trách nhiệm là một khái niệm trừu tượng, song để bảo hiểm, người ta vẫn quy trách nhiệm ra tài sản và thiệt hại theo các nguyên tắc bồi thường và nguyên tắc chuyển giao quyền hợp pháp.
Có 3 loại bảo hiểm phân loại theo đối tượng bảo hiểm
Vai trò của bảo hiểm
Sự tồn tại và phát triển lâu đời từ hình thái bảo hiểm sơ khai cho đến hiện đại và có hệ thống như hiện nay cho thấy vai trò của bảo hiểm đối với đời sống con người, bao gồm:
Chuyển giao rủi ro: Những người tham gia bảo hiểm luôn là số đông so với người chịu thiệt hại, do đó bảo hiểm là một hình thức chuyển giao rủi ro và san sẻ khó khăn.
Công cụ ổn định chi phí: Người mua sẽ được tiết kiệm một phần chi phí tổn thất khi có rủi ro xảy ra, giúp họ tiết kiệm tiền của.
Tạo nguồn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội: Việc tham gia bảo hiểm cũng giống như đang đóng góp vào quỹ dự trữ tài chính, nguồn quỹ này sẽ giúp cung cấp nguồn vốn đầu tư cho các dự án kinh tế, tạo công ăn việc làm và giúp xã hội duy trì sự ổn đinh.
Bảo hiểm có vai trò quan trọng với cá nhân và xã hội
Ý nghĩa của bảo hiểm
Bảo hiểm có thể tồn tại và phát triển nhanh chóng là vì nó có ý nghĩa to lớn đối với người tham gia, bao gồm:
Hạn chế rủi ro tài chính: Bằng cách tham gia bảo hiểm, bạn đang được đảm bảo hạn chế rủi ro về tài chính trong thời kì khó khăn của bản thân. Rộng hơn nữa, việc bảo hiểm cho bản thân cũng có nghĩa là bạn đang bảo hiểm cho gia đình, giảm thiểu thiệt hại mà gia đình phải chịu khi những rủi ro như tai nạn, thất nghiệp, đau ốm,... xảy ra.
Đóng góp vào sự phát triển xã hội: Tham gia bảo hiểm giúp cho cá nhân tích luỹ tài sản để tạo nguồn vốn kinh doanh trong tương lai, hiện thực hoá các dự án kinh doanh mong muốn. Càng nhiều người thực hiện được dự định kinh doanh, xã hội sẽ càng phát triển về kinh tế, làm tiền đề cho mọi sự phát triển khác trong tương lai.
Là hình thức đầu tư, gia tăng tài sản an toàn: Tham gia bảo hiểm là một sự chuẩn bị về tài chính hiệu quả cho bản thân, kể cả sau khi về hưu.
Bảo hiểm có nhiều ý nghĩa đối với đời sống của con người
Các thuật ngữ quan trọng trong bảo hiểm
Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Chức năng chính của cơ quan này là xây dựng, phát triển và thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có trách nhiệm quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Logo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Quỹ bảo hiểm y tế
Quỹ bảo hiểm y tế là một quỹ tài chính được tạo thành khi có người tham gia bảo hiểm y tế, ngoài ra còn được trích từ các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ bảo hiểm y tế giúp chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế, chi phí quản lý và vận hành cho tổ chức bảo hiểm y tế, cũng như các khoản chi phí hợp pháp có liên quan.
Quỹ bảo hiểm xã hội
Quỹ bảo hiểm xã hội cũng là một quỹ tài chính, quỹ này độc lập với ngân sách Nhà nước do nguồn cung chính của quỹ là đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động. Tuy vậy, Nhà nước vẫn tham gia hỗ trợ về các khâu quản lý, vận hành và gây quỹ khi cần thiết.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Trong trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội liên tục, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là khoảng thời gian từ khi người lao động bắt đầu đóng xã hội cho đến khi họ dừng đóng. Nếu người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian mà họ đã đóng bảo hiểm xã hội.
Công ty bảo hiểm
Công ty bảo hiểm là một doanh nghiệp được thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm.
Thuật ngữ công ty bảo hiểm
Đại lý bảo hiểm
Đại lý bảo hiểm là tổ chức hoặc cá nhân hoạt động như một đại lý, tức là được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền theo hợp đồng đại lý bảo hiểm. Các hoạt động đại lý của đại lý bảo hiểm phải tuân theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định có liên quan do Nhà nước phát hành.
Hoạt động đại lý bảo hiểm
Hoạt động đại lý bảo hiểm là hoạt động giới thiệu, chào bán sản phẩm là các kế hoạch bảo hiểm, cũng như thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm và các công việc khác có liên quan nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo uỷ quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên mua bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm có thể là tổ chức hoặc cá nhân có giao kết hợp đồng với công ty bảo hiểm và có đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể vừa là người được bảo hiểm, vừa là người thụ hưởng.
Thuật ngữ bên mua bảo hiểm
Người được bảo hiểm
Người được bảo hiểm là tổ chức hoặc cá nhân có tính mạng, trách nhiệm dân sự, tài sản được bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm tương ứng. Người được bảo hiểm cũng có thể là người thụ hưởng trong hợp đồng.
Người thụ hưởng
Người thụ hưởng là tổ chức hoặc cá nhân được nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người do bên mua bảo hiểm chỉ định.
Hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận trên giấy tờ giữa bên mua bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm hoặc trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng.
Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Phí bảo hiểm
Phí bảo hiểm là khoản tiền bên mua bảo hiểm phải đóng cho công ty bảo hiểm theo đúng thời hạn và phương thức mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Số tiền bảo hiểm
Số tiền bảo hiểm là số tiền được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận và được ghi trên hợp đồng bảo hiểm nhằm xác định các quyền lợi bảo hiểm theo quy định hợp đồng.
Số tiền bảo hiểm là số tiền được ghi trên hợp đồng bảo hiểm nhằm xác định và giới hạn các quyền lợi bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm phải được công ty bảo hiểm chấp thuận.
Sự kiện bảo hiểm
Sự kiện bảo hiểm là sự kiện để hoạt động bảo hiểm diễn ra, tức là công ty bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm hoặc trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng. Sự kiện bảo hiểm là một sự kiện khách quan mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc do pháp luật quy định.
Thời hạn hợp đồng
Thời hạn hợp đồng là khoảng thời gian tính từ thời điểm hợp đồng bảo hiểm phát sinh hiệu lực cho đến thời điểm có xuất hiện các yếu tố làm căn cứ dẫn đến chấm dứt hợp đồng theo thoả thuận. Trong thời hạn hợp đồng, các bên tham gia bảo hiểm phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng.
Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là điều khoản quy định các trường hợp mà công ty bảo hiểm không cần phải bồi thường hay trả tiền khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Thuật ngữ điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Các nguyên tắc cơ bản khi tham gia bảo hiểm
Đảm bảo sự trung thực tuyệt đối
Nguyên tắc cơ bản đầu tiên khi tham gia bảo hiểm là đảm bảo sự trung thực tuyệt đối, có ràng buộc bởi các nguyên tắc và điều khoản được nêu trong hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, người bảo hiểm và người được bảo hiểm phải trung thực tuyệt đối với nhau và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của toàn bộ thông tin đã cung cấp cho bên còn lại.
Người bảo hiểm phải công khai tuyên bố những điều kiện, nguyên tắc, thể lệ, giá cả bảo hiểm... cho người được bảo hiểm biết, người được bảo hiểm cũng phải khai báo chính xác các chi tiết liên quan đến đối tượng bảo hiểm. Công ty bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin này. Khi một trong các bên liên quan vi phạm các điều khoản và trách nhiệm này, hợp đồng bảo hiểm sẽ mất hiệu lực.
Nguyên tắc đảm bảo sự trung thực tuyệt đối
Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm
Quyền lợi có thể được bảo hiểm là các lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến, gắn liền với, hay phụ thuộc vào sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm. Quyền lợi của người mua bảo hiểm được đảm bảo khi đối tượng bảo hiểm an toàn và sẽ bị phương hại nếu đối tượng đó gặp rủi ro.
Nói cách khác, nguyên tắc này chỉ ra rằng người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm. Người có quyền lợi có thể được bảo hiểm là người sở hữu, hoặc quản lý, nhận cầm cố đối tượng theo sự công nhận của pháp luật. Khi xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm đã phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm rồi mới được bồi thường.
Nguyên tắc cần lưu ý tiếp theo là nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm
Nguyên tắc bồi thường
Bồi thường là sự bảo vệ hoặc đảm bảo cho thiệt hại hoặc tổn thất phát sinh từ trách nhiệm pháp lý, phục vụ cho mục đích chính của bảo hiểm là khôi phục vị trí và điều kiện tài chính như ban đầu cho người được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra. Các bên không được lợi dụng để trục lợi từ bảo hiểm.
Theo nguyên tắc bồi thường, người bảo hiểm phải khôi phục điều kiện tài chính như ban đầu cho người được bảo hiểm, không hơn không kém so với mức ban đầu. Người được bảo hiểm không thể được bảo hiểm nhiều hơn mức độ thiệt hại và quyền lợi được bảo hiểm của họ.
Nguyên tắc bồi thường khi tham gia bảo hiểm
Nguyên tắc thế quyền
Sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm, người được bảo hiểm có quyền thay mặt người được bảo hiểm để đòi trách nhiệm bồi thường người thứ ba cho mình theo nguyên tắc thế quyền. Việc thế quyền có thể được thực hiện trước hoặc sau khi bồi thường tổn thất, người bảo hiểm có quyền thay mặt người bảo hiểm để làm việc với các bên liên quan.
Người bảo hiểm có quyền sở hữu tất cả các khoản tiền có thể thu hồi được để giảm bớt thiệt hại. Mặt khác, người được bảo hiểm cũng có thể được bồi thường từ các nguồn khác ngoài công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, cần lưu ý là mọi khoản tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận đều phải đặt dưới danh nghĩa của công ty bảo hiểm đã thực hiện bồi thường. Người bảo hiểm chỉ được thế quyền tương đương với số tiền mà họ đã trả hoặc sẽ trả cho người được bảo hiểm, mặt khác, công ty bảo hiểm cũng không được phép thu nhiều hơn số tiền họ đã bồi thường.
Nguyên tắc thế quyền và một số lưu ý
Nguyên tắc chỉ bảo hiểm sự rủi ro, không bảo hiểm sự chắc chắn
Nguyên tắc này chỉ ra rằng người bảo hiểm chỉ bảo hiểm và chỉ có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại và mất mát gây nên từ một rủi ro xảy ra bất ngờ, ngoài ý muốn của con người như tai nạn, tai hoạ, sự cố, chứ không bảo hiểm những gì chắc chắn và đương nhiên sẽ xảy ra.
Nguyên tắc này đảm bảo mục đích chính của bảo hiểm luôn là nhằm giải quyết hậu quả của những sự cố rủi ro ngoài ý muốn của con người mà con người không thể hạn chế hoàn toàn. Ngoài ra, người ta cũng không bảo hiểm cho những gì đã xảy ra, chẳng hạn như bảo hiểm cho xe cộ sau khi đã gặp tai nạn.
Nội dung nguyên tắc chỉ bảo hiểm sự rủi ro, không bảo hiểm sự chắc chắn
TOP 7 công ty bảo hiểm uy tín tại Việt Nam
Bảo hiểm Bảo Việt
Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ là công ty nội địa duy nhất nằm trong bảng xếp hạng, đồng thời cũng là công ty bảo hiểm uy tín nhất năm 2023 tại Việt Nam. Bảo hiểm Bảo Việt có lịch sử phát triển hơn 25 năm với hơn 300 văn phòng trên khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Bảo hiểm Bảo Việt có danh mục sản phẩm với tên gọi rõ ràng, dành cho từng nhóm khách hàng khác nhau, bao gồm Tích Luỹ, Bảo Vệ, Đầu Tư, Hưu Trí và Doanh Nghiệp.
Prudential Vietnam
Prudential Việt Nam có các tuyên ngôn thương hiệu vô cùng quen thuộc như “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, hay câu “Lắng nghe. Thấu hiểu. Hành động”. Đây là một công ty bảo hiểm thuộc tập đoàn tài chính Prudential có trụ sở ở Anh Quốc, được thành lập từ năm 1848.
Prudential Việt Nam luôn phát triển và hoạt động với tôn chỉ “Đặt khách hàng làm trọng tâm", phục vụ nhiều gói dịch vụ cho đa dạng nhóm khách hàng. Chính vì vậy, Prudential Việt Nam hiện nay đang phát triển vững mạnh với 360 văn phòng khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam
Dai-ichi Life Việt Nam
Dai-ichi Life Việt Nam được thành lập từ năm 2007, là doanh nghiệp với vốn 100% từ tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Nhật với bề dày hơn 120 năm hoạt động. Công ty hiện có mạng lưới kinh doanh với hơn 290 văn phòng “phủ sóng” khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Dai-ichi Life Việt Nam có 100% nguồn vốn từ tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Nhật với bề dày hơn 120 năm hoạt động. Thành lập năm 2007, hiện Dai-ichi Life Việt Nam đã có hơn 290 văn phòng toàn quốc với đủ loại dịch vụ với 2 định hướng:
Giai đoạn cuộc đời khách hàng: Độc thân, lập gia đình, có con nhỏ, con trưởng thành và về hưu.
Nhu cầu tài chính: Giáo dục, tiết kiệm, đầu tư, bảo vệ sức khỏe, hưu trí và dành cho doanh nghiệp.
AIA Việt Nam
Theo Vietnam Report, AIA Việt Nam đứng thứ 3 trong top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2023. Danh mục sản phẩm của công ty AIA Việt Nam chia làm hai loại để phục vụ cho hai nhóm đối tượng riêng biệt:
Khách hàng là cá nhân: Gói an toàn tài chính, bảo hiểm rủi ro do tai nạn, bảo đảm tương lai học vấn cho con, bảo hiểm sức khỏe và bệnh hiểm nghèo, an nhàn tuổi vàng cho người già và gói tiết kiệm đầu tư.
Khách hàng là doanh nghiệp: Gói phúc lợi cho nhân viên.
Manulife Việt Nam
Manulife Việt Nam là công ty xếp thứ hạng 5 trong Top 10 các công ty bảo hiểm lớn nhất Việt Nam. Manulife Việt Nam mang sứ mệnh “Quyết định dễ dàng. Vẹn toàn cuộc sống” và đạt được thành tích 12 năm liền đạt danh hiệu Rồng Vàng – “Công ty dẫn đầu về các sản phẩm và dịch vụ sức khỏe số hóa của năm”.
Manulife Việt Nam còn tiên phong trong việc đề cao tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khoẻ thể chất bằng cách triển khai gói dịch vụ Manulife MOVE, khuyến khích khách hàng vận động, cải thiện sức khỏe mỗi ngày.
Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam
Chubb Việt Nam
Chubb Life Việt Nam gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2005. Tại Châu Á, Chubb Life hoạt động mạnh mẽ tại các quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.
Chubb Life Việt Nam hoạt động với tôn chỉ chú trọng xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng thông qua sản phẩm cốt lõi và tân tiến. Vì vậy, danh mục sản phẩm của công ty rất đa dạng:
Bảo hiểm cá nhân: Theo các giai đoạn cuộc đời (có con, chăm sóc cha mẹ, có việc làm đầu tiên,…) và loại sản phẩm (bảo hiểm đầu tư, sức khỏe, du lịch,…)
Bảo hiểm thương mại: Theo ngành nghề (hàng hải, công nghệ sạch,…), loại sản phẩm (bảo hiểm thương vong, môi trường,…), mô hình doanh nghiệp và giải pháp.
Sun Life Việt Nam
Sun Life Việt Nam được thành lập vào năm 2013, là công ty với 100% vốn thuộc tập đoàn Sun Life Financial đến từ Canada. Với 10 năm hoạt động, Sunlife Việt Nam đã có 75 văn phòng trên toàn quốc và đạt top 1 cho dòng sản phẩm hưu trí.
Sun Life tập trung phát triển thế mạnh bằng cách cho ra mắt các gói sản phẩm và dịch vụ hưu trí cho hai nhóm đối tượng khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng có những gói tương tự các công ty bảo hiểm khác về sức khoẻ, tiết kiệm, đầu tư,…
Các câu hỏi thường gặp về bảo hiểm
Đóng bảo hiểm bao lâu thì được hưởng thai sản?
Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Ngày đáo hạn hợp đồng bảo hiểm là gì?
Ngày đáo hạn hợp đồng bảo hiểm là ngày cuối cùng của thời hạn hợp đồng được ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm.
Lương 5tr đóng bảo hiểm bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm đối với người lao động được xác định như sau:
Bảo hiểm xã hội: 8% (Áp dụng với người ký hợp đồng từ đủ 01 tháng trở lên);
Bảo hiểm thất nghiệp: 1% (Áp dụng với người ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên);
Bảo hiểm y tế: 1,5% (Áp dụng với người ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên).
Như vậy, mức đóng BHXH của người lao động ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên là 10.5%.
Hiện nay, công thức tính tiền đóng BHXH được xác định như sau:
Mức tiền đóng BHXH = 10,5% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc
Nếu tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là 5 triệu đồng thì mức tiền đóng BHXH hàng tháng như sau:
Mức tiền đóng BHXH = 10,5% x 5 triệu đồng = 525.000 đồng/tháng.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước tổ chức, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quyền lựa chọn mức đóng và phương thức đóng sao cho phù hợp với điều kiện tài chính của mình.
Làm sao để biết công ty có đóng bảo hiểm?
Có 2 cách để kiểm tra tình hình đóng bảo hiểm của công ty.
- Cách 1 là kiểm tra trên ứng dụng VssID – BHXH số.
Điều kiện để kiểm tra thông tin đóng BHXH thông qua ứng dụng VssID, người lao động phải đăng ký tài khoản bằng mã số BHXH và liên hệ với cơ quan BHXH gần nhất để được cấp mật khẩu sử dụng.
Sau khi đăng kí tài khoản bằng mã số BHXH và liên hệ với cơ quan BHXH gần nhất để được cấp mật khẩu sử dụng, người lao động thực hiện các bước sau:
B1: Đăng nhập tài khoản VssID.
B2: Tại mục QUẢN LÝ CÁ NHÂN chọn QUÁ TRÌNH THAM GIA.
B3: Xem thông tin về quá trình đóng bảo hiểm.
Các bước thực hiện của cách kiểm tra trên ứng dụng VssID
- Cách 2 là kiểm tra trên Website của BHXH Việt Nam
Người lao động cần cung cấp địa chỉ email trên ứng dụng VssID, rồi thực hiện các bước sau:
Bước 1: Truy cập phần Tra cứu quá trình tham gia BHXH tại Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.
Bước 2: Nhập đầy đủ thông tin người lao động tại các dòng có dấu *.
Người lao động nhập lần lượt Tỉnh/thành phố => Cơ quan BHXH (theo nơi công ty đóng trụ sở hoặc công ty mẹ) => Chọn thời điểm tra cứu => Nhập số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân => Nhập Họ tên => Mã số BHXH => Điền số thoại đăng ký với cơ quan BHXH.
Bước 3: Tích chọn "Tôi không phải là người máy" => Bấm Lấy mã tra cứu.
Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về địa chỉ email của người lao động => Tra cứu.
Bước 5: Xem quá trình đóng BHXH của mình.
Các bước thực hiện kiểm tra trên Website của BHXH Việt Nam
Có bao nhiêu bảo hiểm nhân thọ?
Có 7 loại hình bảo hiểm nhân thọ cơ bản:
Bảo hiểm trọn đời;
Bảo hiểm sinh kỳ;
Bảo hiểm tử kỳ;
Bảo hiểm hỗn hợp;
Bảo hiểm trả tiền định kỳ;
Bảo hiểm liên kết đầu tư;
Bảo hiểm hưu trí.
Trên đây là bài viết Bảo hiểm là gì? Thông tin cần biết khi mua bảo hiểm 2023. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết này, hẹn bạn ở các bài viết khác về Tích lũy & Bảo hiểm của Tikop nhé!