Xu hướng đa dạng nguồn thu nhập với xu thế kinh tế tự do
Trước đây, đa số người đi làm chỉ làm việc trong giờ hành chính và gắn bó lâu dài với một công ty để ổn định thu nhập và phúc lợi. Nhưng ở thế kỷ 21, bên cạnh công việc toàn thời gian, xu hướng “làm việc tự do” (freelance) đang ngày càng phổ biến như một cách tăng thu nhập mới.
Tại nhiều nước phương Tây, khoảng 30% lao động là freelancer – một phần của “nền kinh tế tự do” (gig economy) đang ngày càng phát triển nhờ công nghệ và các nền tảng tuyển dụng trực tuyến. Nhờ Internet, freelancer và nhà tuyển dụng có thể dễ dàng kết nối và hợp tác chỉ qua vài thao tác trên thiết bị kỹ thuật số.
Ngay cả khi bạn đã có công việc ổn định, với kỹ năng như viết, dịch thuật, thiết kế web, đồ họa hay quay phim, bạn vẫn có thể tận dụng thời gian rảnh để tăng thu nhập qua các trang như Upwork, TaskRabbit (quốc tế) hoặc vlance, 123thue (Việt Nam).
Tận dụng nguồn lực dư thừa nhờ mô hình kinh tế chia sẻ
Cùng với sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế hiện nay xuất hiện nhiều mô hình dịch vụ mới như Grab, AirBnb… Những mô hình này đã tạo ra một xu hướng tiêu dùng mới gọi là “tiêu dùng hợp tác” hay “chia sẻ”.
Mô hình này cho phép người cung cấp tận dụng tài sản cá nhân như phòng trống, căn hộ chưa sử dụng hay phương tiện di chuyển như ô tô, xe máy… để chia sẻ và đáp ứng nhu cầu thị trường một cách hiệu quả.
Ban đầu, người tiêu dùng chọn các dịch vụ chia sẻ vì sự tiện lợi, nhưng dần nhận ra còn giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Đồng thời, mô hình này tạo cơ hội tăng thu nhập cho những người có tài sản như chỗ ở, phương tiện không sử dụng thường xuyên.
Nhờ những lợi ích này, mô hình chia sẻ ngày càng phát triển mạnh và chưa có dấu hiệu giảm tốc. Ví dụ, tại Mỹ có đến 40% dân số là “người chia sẻ”, tương tự ở Anh, Úc. Khảo sát ở Anh cũng cho thấy 64% người từ 18-34 tuổi dự định sẽ sử dụng dịch vụ thuê theo mô hình chia sẻ vì tiết kiệm và tiện lợi.
Xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm
Ngày nay, nhờ công nghệ phát triển, con người dễ dàng tiếp cận các thông tin về môi trường. Những số liệu đáng báo động như đến năm 2050 đại dương sẽ có nhiều rác nhựa hơn cá, hay mỗi kg hàng hóa sản xuất tạo ra trung bình 71 kg chất thải, được lan truyền rộng rãi trên báo chí và mạng xã hội.
Những con số báo động về môi trường đang thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của nhiều người. Theo khảo sát toàn cầu năm 2015 của Cone Communications, 81% người tiêu dùng ưu tiên trách nhiệm xã hội và môi trường khi quyết định mua hàng, vượt lên trên nhu cầu cá nhân.
Cụ thể, ngày càng nhiều người:
Sẵn sàng chi nhiều hơn cho sản phẩm không thử nghiệm trên động vật, hàng hữu cơ, thân thiện môi trường hoặc các thương hiệu có đóng góp từ thiện như giày TOMS.
Theo lối sống tối giản, giảm mua sắm và sử dụng mô hình kinh tế chia sẻ để tiết kiệm tài nguyên.
Tái sử dụng vật dụng, như dùng túi giấy cũ hay tận dụng vỏ chai.
Nhờ đó, người tiêu dùng toàn cầu ngày càng thông thái, có hiểu biết sâu sắc về môi trường và đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ họ sử dụng.
Xu hướng quản lý tài chính thông minh và cởi mở
Trong thế kỷ 21, lĩnh vực tài chính chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng công nghệ số (fintech). Những ứng dụng này thay đổi thói quen tài chính của chúng ta, như thanh toán qua thẻ hoặc điện thoại thay cho tiền mặt, và giao dịch trực tuyến.
Quản lý tài chính cá nhân cũng trở nên hiện đại hơn nhờ các phần mềm và ứng dụng hỗ trợ ghi chú, quản lý thu chi trên máy tính và điện thoại, ví dụ như Tikop, Money Lover hay sổ thu chi MISA.
Bên cạnh đó, chúng ta còn có xu hướng cởi mở hơn với các sản phẩm tài chính mới như mở thẻ tín dụng, vay ngân hàng và các gói bảo hiểm, do có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin liên quan qua các kênh truyền thông và mạng xã hội, hoặc các trang mạng so sánh và thương mại điện tử.