Một vài năm gần đây bất động sản công nghiệp thực sự bùng nổ ở khắp các tỉnh thành có tiềm năng phát triển trên cả nước. Có thể thấy rằng, bất động sản công nghiệp sẽ tác dụng tích cực đến các thị trường khác.
Bất động sản công nghiệp là gì
Khái niệm bất động sản công nghiệp được hiểu là các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng cho thuê, văn phòng cho thuê, khu đô thị và các dự án đầu tư mặt bằng nhằm phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Bất động sản công nghiệp cũng gắn liền với khái niệm đất khu công nghiệp. Trong đó, đất khu công nghiệp sẽ được sử dụng theo hình thức thuê đất. Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 149 Luật Đất đai 2013 như sau:
"Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
Đối với phần diện tích thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm thì người được Nhà nước cho thuê đất có quyền cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hằng năm; đối với phần diện tích thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì người được Nhà nước cho thuê đất có quyền cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hằng năm.
Nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất".
Động lực cho sự phát triển của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam
Nguyên nhân chủ quan
- Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí nhân công rẻ, trình độ nhân lực ngày càng được cải thiện là những yếu tố thu hút nhiều công ty, tập đoàn lớn đặt nhà máy sản xuất tại đây. Số lượng lao động trẻ của Việt Nam biết tiếng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng tăng, đáp ứng được nhu cầu công việc của các công ty. Như vậy, so với đầu tư ở các nước như Thái Lan, Indonesia thì đầu tư ở Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm một khoản chi phí khá lớn dành cho nhân sự
- Giá thuê đất khu công nghiệp ở Việt Nam khá thấp khi so sánh với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí thấp hơn khoảng 30-40%. Ngoài cho thuê đất khu công nghiệp, thị trường bất động sản công nghiệp nước ta cũng có sự tăng trưởng tốt ở phân khúc cho thuê kho xây sẵn và nhà xưởng. Dự báo, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn sẽ tiếp tục tăng trưởng ở thị trường miền Bắc và miền Nam.
- Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì thế, lĩnh vực công nghiệp cũng được ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi lớn của Việt Nam như giảm bớt rào cản thuế quan, tinh gọn thủ tục cấp phép đầu tư đã phát huy hiệu quả lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, giúp các doanh nghiệp dễ dàng đưa ra quyết định đặt nhà máy tại Việt Nam.
- Hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích ngày càng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, tăng cường tính kết nối vùng giúp quá trình vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa đến thị trường tiêu thụ được nhanh chóng, thuận tiện.
Nguyên nhân khách quan
- Sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do FTA đã mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp. Thông qua Hiệp định này, hàng loạt các khoản thuế quan được xóa bỏ, Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội để giao lưu khoa học kỹ thuật với các nước phát triển, từ đó chuyển đổi từ xuất khẩu hàng hóa có giá trị thấp sáng xuất khẩu hàng hóa có giá trị cao hơn.
- Cùng với đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung buộc các tập đoàn lớn lên kế hoạch cho việc di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc đến những quốc gia an toàn hơn. Các chuyên gia nhận định rằng, bất động sản công nghiệp ở miền Bắc nước ta chịu tác động lớn nhất từ cuộc chiến này vì gần Trung Quốc, thuận lợi khi dịch chuyển nhà xưởng. Cụ thể, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định… là những tỉnh, thành lý tưởng cho các công ty, tập đoàn nước ngoài dừng chân. Từ đó, thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc sẽ trở lên sôi động hơn trước.